Juventus 2-2 Tottenham: Sự thất thế của Lão bà

Juventus có được hai bàn thắng dẫn trước từ sớm nhưng không thể kết thúc trận đấu như ý muốn. Họ bị đối phương ghi bàn ngay trên sân nhà – không chỉ một, mà tới hai bàn – khiến cho chuyến hành quân tới Wembley trở nên khó khăn bội phần.

 

Max Allegri xuất phát với hai tiền đạo là Mario Mandzukic và Gonzalo Higuain, hai tiền vệ cánh Douglas Costa với Federico Bernardeschi cùng hai tiền vệ trung tâm Miralem Pjanic – Sami Khedira. Về phần Tottenham, Mauricio Pocchettino có hai sự thay đổi so với đội hình ra sân trong trận derby Bắc London trước đó ba ngày: Serge Aurier thay Kieran Trippier và Erik Lamela thay Heung-min Son.

juv-tot-lineup

Đội hình xuất phát của hai đội

1. Chiến thuật của Juventus

Juventus khởi đầu với sơ đồ chiến thuật 4-3-3. Trong khi Mandzukic đóng vai trò tiền đạo cánh trái, Douglas Costa (Costa), vốn là một cầu thủ chạy cánh tốc độ, lại xuất phát ở vị trí “số 8” lệch trái. Có thể thấy trong tình huống dẫn tới bàn thắng mở tỉ số của trận đấu, Costa và Khedira – 2 “số 8” của Juve – đang lần lượt áp sát Dier và Dembele, hai tiền vệ trung tâm của Spurs trong trận này. Phía sau họ là Miralem Pjanic – vốn là một tiền vệ tấn công kiêm “số 8” ở Roma, nhưng dần chuyển sang một regista khi qua Juve – người đã cắt bóng chính xác và đem về quả phạt thành bàn cho Juve.

Nhưng với một tiền đạo cắm đã quen chơi trong vai tiền đạo cánh phòng ngự (Mandzukic) và một tiền vệ cánh quen bay bổng ở phía trên xuất phát tại vị trí tiền vệ trung tâm (Costa), đội hình của Juve có thể thay đổi một cách linh hoạt. Thật vậy, trong mỗi giai đoạn của trận đấu, thậm chí cả trong một giai đoạn, Juve biến đổi theo nhiều cách khác nhau.

1.1 Khi có bóng

Cách tấn công của Juve khá đơn giản. Bên cánh trái, Mandzukic chơi rộng, đóng vai trò “làm tường”, cụ thể là giữ bóng, nhả bóng lại cho đồng đội trong những tình huống phối hợp. Costa dâng cao vào hành lang trong bên trái, nhận bóng từ Mandzukic và đột phá; hỗ trợ cho anh là Alex Sandro băng lên từ phía sau. Ở bên cánh phải, Bernardeschi đóng vai trò ít “bay bổng” hơn: Lùi xuống và lệch vào bên trong khi Juve triển khai bóng để cho Khedira băng lên, sau đó xâm nhập muộn (late run) vào vòng cấm từ bên cánh phải. Với cách set-up khi tấn công này, Juventus đã thu về một quả penalty khi Ben Davies phạm lỗi với Bernardeschi, dẫn tới bàn thắng thứ hai.

1.2 Khi không có bóng

Trong những phút đầu của trận đấu, khi không có bóng, Juventus nhanh chóng rút về đội hình phòng ngự dạng 4-4-1-1: Costa dâng cao hơn, ngang hàng với Higuain; Mandzukic thì rút về vị trí tiền vệ trái, hợp cùng Pjanic – Khedira – Bernardeschi thành lớp tiền vệ 4 người. Đội hình phòng ngự được giữ ở tầm trung, giữ khoảng cách khá hẹp về bề ngang và đảm bảo rằng luôn gây áp lực lên cầu thủ đối phương đang có bóng – khác với Arsenal.

Sau khi ghi hai bàn thắng sớm, chiến thuật của Juve có một số sự thay đổi. Cụ thể như sau:

  • Để áp sát khi Spurs triển khai bóng từ sân nhà, Juve áp sát cao theo dạng 4-3-3: Mandzukic di chuyển vào gần Davinson Sanchez, Higuain lệch sang về phía bên sườn trái của Jan Vertonghen. Trong khi Douglas Costa sẽ dâng cao áp sát một tiền vệ trung tâm của Spurs lùi sâu về nhận bóng, hai tiền đạo của Juve chọn tư thế để có thể chặn hai bên sườn của Davinson và Vertonghen, không cho hở hướng chuyền sang hai cánh cho hai hậu vệ biên. Ở phía dưới, Khedira theo sát tiền vệ trung tâm còn lại, Pjanic phòng ngự ở phía sau, Bernardeschi cũng chơi thấp và thận trọng ở cánh phải. Tuy vậy, Spurs không gặp phải quá nhiều khó khăn để thoát khỏi sự áp sát tầm cao của Juve: họ để Dembele, một tiền vệ có khả năng rê bóng và kháng pressing rất tốt, lùi xuống nhận bóng; đồng thời, Eriksen cũng lui về để tạo phương án chuyền cho đồng đội.
  • Dù sao thì Juve cũng không thực sự muốn tập trung vào pressing tầm cao. Họ nhanh chóng rút về khối phòng ngự tầm trung (ở sau vạch giữa sân) của mình. Mandzukic phòng ngự cánh trái, theo dõi Aurier; Pjanic hợp với Khedira làm cặp tiền vệ trung tâm, Bernardeschi phòng ngự cánh phải. Costa đứng cao hơn, đôi khi cũng lui xuống hỗ trợ đồng đội ở lớp tiền vệ. Cách bố trí không khác mấy so với đã nêu ở trên.
  • Sau khi ghi được hai bàn thắng, Juventus không duy trì đội hình phòng ngự tầm trung nữa mà chủ động lùi sâu xuống, tập trung bảo vệ khung thành của Buffon thay vì tranh chấp, gây sức ép. Mandzukic lùi rất sâu về phòng ngự, tới mức anh giống như là một hậu vệ thứ năm. Costa vẫn đứng lệch trái, nhưng cũng lùi xuống giúp đỡ ở hàng tiền vệ – thành ra, Juve đang phòng ngự với đội hình 5-4-1.
juv-tot1

Đội hình 5-4-1 của Juve

Như vậy, trong một giai đoạn phòng ngự, Juventus biến đổi ra tới ba dạng đội hình khác nhau. Tuy vậy, vấn đề nằm ở cách tiếp cận – bằng việc lui xuống phòng ngự thấp, Juve để cho Spurs tự do triển khai lối chơi – và họ cũng phải trả giá như Arsenal, dù cách thức có phần khác nhau.

2. Cách Spurs tấn công

Khi có không gian và thời gian để triển khai bài bản tấn công của mình, Spurs vô cùng nguy hiểm. Trong trận đấu này, họ có được bộ ba tấn công Alli – Eriksen – Lamela, những người có thể thoải mái hoạt động ở trung lộ và quan trọng nhất, là ba người có thể thay đổi vị trí liên tục cho nhau.

juv-tot2

Đội hình tấn công của Tottenham và đội hình phòng ngự sâu của Juventus

Khác với trận gặp Arsenal, Tottenham chủ yếu tấn công ở cánh phải.

  • Serge Aurier dâng cao, đẩy Mandzukic lùi về rất sâu. Cầu thủ người Bờ Biển Ngà có thể yên tâm vì phía sau, Eric Dier lui về vị trí thấp ở half-space phải để bọc lót. Hơn nữa, vị trí đứng của Dier cho phép anh kéo Costa khỏi vị trí.
  • Dembele chủ động cầm bóng tấn công vào đội hình của Juve. Bằng tầm vóc cũng như khả năng rê dắt của mình, Dembele thu hút sự chú ý của một tiền vệ trung tâm của Juve (Pjanic). Cũng phải ghi nhận rằng Pjanic phòng ngự một cách thông minh khi luôn để ý tới tư thế, sao cho có thể chặn được hướng chuyền vào không gian phía sau lưng, tuy nhiên…
  • Eriksen hoạt động ở hành lang trong bên phải. Anh là nhân tố giúp Spurs tạo lợi thế quân số ở khu vực này, nhất là khi Costa đã rời vị trí và Pjanic phải để mắt tới Dembele. Juventus giải quyết vấn đề này bằng cách cho Alex Sandro rời vị trí để kèm sát chân kiến tạo người Đan Mạch. Đây là một ưu điểm của hệ thống ba trung vệ – một trung vệ có thể rời vị trí, dâng lên phía trước để đánh chặn, phía sau đã có hai trung vệ khác cùng với wingback bó vào trong bọc lót…
  • Nhưng Spurs còn có Kane và Alli. Cụ thể, Alli có thể thu hút Khedira, hoặc là chạy chỗ xâm nhập vào phía sau hàng phòng ngự đối phương. Kane di chuyển linh hoạt tương ứng theo Alli – những tình huống chạy chỗ đa dạng của Kane luôn làm trung vệ đối phương đau đầu, từ Koscielny – Mustafi cho tới Chiellini – Benatia.

 

  • juv-tot3

    Một tình huống tấn công của Spurs. Dù Pjanic đã chọn tư thế để ngăn bóng được chuyền vào không gian giữa hàng hậu vệ và tiền vệ, việc Khedira bị thu hút bới Alli giúp Dembele có thể chuyền thẳng cho Kane.

    Erik Lamela không nổi bật bằng những đồng đội: anh chủ yếu ở bên trái, hoặc là bám biên, hoặc là bó vào trong hành lang trong bên trái, để cho Davies di chuyển tương ứng (chạy vào hành lang trong, hoặc chồng biên). Bernardeschi giữ vị trí tốt, phối hợp với De Sciglio để hoàn thành nhiệm vụ phòng ngự. Tuy nhiên, bàn thắng của Spurs lại tới khi Erik Lamela chuyển qua hoạt động ở hành lang trong bên phải và Spurs chuyển qua đánh cánh trái. Khi đó, Alli di chuyển sang hành lang trong trái, phối hợp với Dembele đang dâng lên và Davies đang chồng biên, tạo ra tam giác phối hợp, còn Eriksen trở thành tiền vệ tấn công ở giữa, Lamela thì ở hành lang trong phải. Khi mất bóng, các cầu thủ Spurs, vốn dĩ ở gần bóng, có thể cùng nhau áp sát ngay lập tức – và việc có ưu thế quân số ở trung lộ còn cho phép họ áp đảo đối phương khi Vertonghen chuyền bóng, tạo ra bàn thắng gỡ 1-2.

    Juventus đang để hở hành lang trong bên trái của mình. Họ không chịu gây áp lực nhằm ngăn Spurs triển khai lối chơi từ hàng hậu vệ, không thể kèm người-theo-người khi Spurs luôn di chuyển linh hoạt và biết cách ưu thế quân số ở các vùng trên sân, cũng không chịu thay đổi cách bố trí đội hình. Sau hai bàn thắng, Juve chợt thấy mình đang là đội bị áp đảo – cú sút phạt đền trượt của Higuain không giúp tình hình khá hơn.

    3. Sự thay đổi muộn màng của Allegri

    Allegri có đôi chút thay đổi trong cách tiếp cận của Juve: họ lập đội hình 4-4-2 ổn định khi phòng ngự, với Costa chơi phía sau Higuain và lệch về bên phải. Tottenham vẫn có thời gian để triển khai bóng và vấn đề của Juve không mất đi, chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Hãy cùng phân tích tình huống Tottenham gỡ hòa:

juv-tot4

Đội hình phòng ngự của Juve áp sát Tottenham

juv-tot5

Mandzukic áp sát Aurier, Pjanic lao vào Dembele, còn Bentancur bị hút theo Dier đang chạy chéo ra biên phải

juv-tot6

juv-tot7

Dembele vượt qua sự truy cản của Pjanic. Bentancur thay đổi tư thế, xoay người về phía Dembele

juv-tot8

Dembele đưa bóng sang biên phải cho Dier. Bentancur đứng nguyên ở vị trí cũ, trong khi Mandzukic vẫn đứng ở phía trên. Chú ý khoảng cách giữa anh và Bernardeschi

juv-tot9

Eriksen tự do nhận bóng. Lamela và Alli ở trong khoảng không gian cực lớn mà không có ai kèm

juv-tot10

Lamela kéo Benatia khỏi vị trí, Alli chạy chỗ vào khoảng trống vừa xuất hiện, dẫn tới tình huống phạm lỗi và pha sút phạt thành bàn sau đó

Tóm lại, hai tiền vệ trung tâm của Juventus bị bối rối trước sự linh hoạt của hàng tiền vệ Spurs, dẫn tới bị kéo khỏi vị trí khi cố gắng kèm sát đối phương, trong khi hai tiền vệ cánh thì lại quá chú ý tới hai hậu vệ biên (Bernardeschi có lúc lùi quá sâu, trong khi Mandzukic, như ta thấy ở trên, chọn Aurier thay vì lùi về).

Tới phút 75, Mandzukic ra sân, Sturaro vào thay. Juventus chuyển sang 4-5-1/4-3-3, Costa ra hẳn cánh trái còn Sturaro trở thành tiền vệ trung tâm thứ ba. Đương nhiên sự thay đổi này giúp Juventus có thêm người ở trung tuyến, làm bình ổn khu vực này….nhưng vấn đề là: Tại sao Allegri tới lúc này mới thực hiện sự thay đổi?

Dù đang có lợi thế tỉ số, các học trò của ông rõ ràng là đang gặp bất lợi về mặt thế trận khi không thể thích nghi với sự xoay chuyển vị trí rất linh hoạt của các cầu thủ Spurs. Nếu muốn ngăn Spurs ghi thêm bàn thắng sân khách, đáng lẽ ra Allegri nên thực hiện sự thay đổi này ngay từ đầu hiệp 2, hoặc càng sớm càng tốt. Dù sao thì phòng ngự với một “tiều phu” như Sturaro ở giữa sân và phản công bằng cách phất bóng dài cho Mandzukic ở cánh trái cũng không phải là ý tồi. Có thể ông muốn giữ nguyên những ngôi sao tấn công trên sân để có thể ghi thêm bàn thắng, xóa bỏ lợi thế có bàn thắng trên sân khách của Tottenham – nếu vậy thì mưu tính của Allegri đã phá sản hoàn toàn. Động thái thay người lúc này chỉ còn có ý nghĩa ngăn đội khách ghi thêm bàn nữa mà thôi.

4. Kết luận

Juventus đơn giản là không thể nào đối phó lại Tottenham. Sau khởi đầu tốt – có lẽ là hơi quá tốt – phương án khóa sổ trận đấu bằng cách phòng ngự tầm thấp một cách lì lợm của Juve đã phá sản. Khi có không gian và thời gian để triển khai lối chơi, “positional play” của Tottenham được thực hiện một cách rất nhuần nhuyễn, cuốn phăng Juve theo nhịp của mình và tỏ ra không thể bị chặn lại được. Liệu Juve có thể tới Wembley và cắt đứt được dòng thác lũ đó không?

Tottenham 1-0 Arsenal: Thiếu lửa, Arsenal chịu thua

Một trận derby Bắc London tương đối nhạt nhòa kết thúc với chiến thắng giành cho Tottenham Hotspurs. Đoàn quân của Arsene Wenger tiếp tục sa lầy và viễn cảnh năm thứ hai liên tiếp không có lễ St.Totteringham đang gần hơn.

Arsene Wenger sử dụng sơ đồ chiến thuật 4-3-3 với bộ ba tiền vệ trung tâm Granit Xhaka – Jack Wilshere – Mohamed Elneny. Tân binh Henrikh Mkhitaryan chơi ở cánh trái, còn ngôi sao vừa gia hạn hợp đồng Mesut Ozil chơi ở cánh phải. Trong khi đó, đội hình của Spurs, với sơ đồ 4-2-3-1, không có sự bất ngờ nào cả.

tactical-board.com

Đội hình xuất phát của hai đội

1. Arsenal và những vấn đề

Các học trò của Wenger khởi đầu trận đấu bằng cách dâng cao đội hình, áp sát đối thủ ngay tại phần sân đội bạn. Cách pressing của họ không có gì quá phức tạp: Tiền đạo áp sát trung vệ, tiền vệ cánh thì áp sát hậu vệ biên, tiền vệ trung tâm thì bắt lấy tiền vệ trung tâm. Cụ thể hơn: Nếu Davinson Sanchez có bóng, Aubameyang sẽ áp sát anh này, còn Mkhitaryan sẽ kèm Trippier, Xhaka theo sát Dier (đang lùi xuống gần hàng hậu vệ để nhận bóng). Tuy nhiên, cách tiếp cận này không hiệu quả này vì các cầu thủ Arsenal thực hiện áp sát không thực sự quyết liệt, tạo điều kiện cho cầu thủ của Spurs có thể chạm bóng cũng như thực hiện cách thoát pressing: hoặc là câu bóng dài qua đầu hàng hậu vệ cho Kane và Alli đua tốc độ; hoặc là chuyền cho Kane – người thường xuyên lùi xuống khu vực hàng tiền vệ, tạo hướng chuyền để đồng đội đưa bóng lên một cách dễ dàng.

Họ cũng không làm tốt hơn trên mặt trận tấn công. Cụ thể hơn, vấn đề của Arsenal xuất hiện ngay ở khâu phát bóng lên (build-up).

ars_buildup_4

Arsenal luôn luôn kéo đội hình rộng và cao khi build-up: hai hậu vệ biên dâng lên cao và bám sát biên; tiền vệ trung tâm cũng cách xa trung vệ

ars_buildup_5

Khoảng cách rộng giữa các cầu thủ Arsenal trong giai đoạn build-up khiến họ không kết nối được với nhau. Kết quả là một đường phát bóng dài lên

Thực tế, có một tình huống mà các cầu thủ Arsenal tạo được ưu thế áp đảo về quân số trong build-up:

ars_buildup_1

Các cầu thủ của Arsenal đứng gần hỗ trợ nhau

ars_buildup_2

…tạo ra sự rối loạn trong cách pressing của Spurs. Eriksen bị hút theo Xhaka, Kane bám theo Elneny. Một hướng chuyền mở ra cho Ozil khi Xhaka trả bóng lại cho Koscielny

ars_buildup_3

Arsenal lợi dụng được ưu thế về số cầu thủ ở giữa sân để tạo cơ hội

Kể cả khi lên được bóng, Arsenal cũng gặp bế tắc. Đối thủ của họ rút về lập đội hình phòng ngự 4-4-2 khá hẹp, giữ khoảng cách theo bề ngang cũng như bề dọc khá tốt. Còn Arsenal, họ có 3 tiền vệ trung tâm xoay vòng theo một cách tùy hứng; có một Mesut Ozil chỉ thích dạt vào trong trung lộ hoặc hành lang trong (half-space) phải; có Mkhitaryan mặc dù di chuyển khá đa dạng nhưng lại có xu hướng nhận bóng tới chân và quặt vào bên trong. Có nghĩa là, Arsenal có tới 5 cầu thủ ở trung lộ, cố gắng phối hợp nhỏ với nhau trong một khoảng không gian hẹp mà Tottenham đã “giăng lưới” sẵn, trong khi không có một bài vở nào rõ ràng.

Vì vậy, kế hoạch của Arsenal là: lùi đội hình thật sâu, phòng ngự phản công. Pháo thủ xếp theo đội hình 4-1-4-1, đôi lúc là 4-5-1 phẳng, lùi về sát với vòng cấm và coi trọng việc thủ thế hơn là tìm cách gây áp lực lên cầu thủ đối phương đang có bóng. Nhưng như vậy, họ lại gặp phải hai vấn đề:

  • Phản công không tốt
  • Sơ hở ở hàng phòng ngự

Hai vấn đề này có thể được diễn giải thông qua phân tích màn trình diễn của một cầu thủ Arsenal: Mesut Ozil.

2. Mesut Ozil

Wenger không bao giờ có thể bỏ Ozil trên băng ghế dự bị. Siêu sao người Đức luôn phải có mặt trên sân, cho dù Wenger có phải đẩy anh ra cánh. Trong trận đấu này, Ozil chơi ở vị trí tiền vệ phải và với đấu pháp dựa vào phòng ngự sâu của Arsenal, nhiệm vụ của Ozil sẽ là phòng ngự cánh phải một cách kỉ luật, đồng thời làm một ngòi nổ khi Arsenal phản công.

Tuy nhiên Ozil không phải là một cầu thủ có thể phản công hiệu quả khi chơi ở vị trí này. Thay vì cầm bóng bứt tốc thật nhanh, Ozil thích bóng tới chân để tổ chức lối chơi hơn. Như vậy, tốc độ phản công của Arsenal đã bị giảm đáng kể (cộng thêm cả việc Aubameyang cũng lùi sâu). Mkhitaryan chịu khó chạy, chạy không bóng tốt, biết chạy trực diện lên phía trước khi phản công, nhưng những đường chuyền quyết định của cầu thủ người Armenia lại vô cùng đáng thất vọng. Cũng phải kể tới việc Tottenham đã phản pressing rất tốt – chi tiết sẽ được nhắc tới ở phía sau.

Vấn đề thứ hai nằm ở khâu phòng ngự. Định kiến “tiền vệ sáng tạo, kiến thiết lối chơi mà ra cánh đá thì thế nào cũng để hổng cánh” không hoàn toàn đúng. Ozil thực tế đã giữ được kỉ luật. Anh có để hổng vị trí không? Có. Nhưng đây là hệ quả của cách tiếp cận trong phòng ngự của Wenger, chứ không hẳn là lỗi của cá nhân Ozil.

Cụ thể, Ozil giữ được vị trí, Ozil biết đeo bám hậu vệ biên dâng cao của đối thủ. Nhưng Ozil muốn chủ động áp sát hơn. Arsenal lùi sâu, rất sâu và gần như không gây áp lực lên cầu thủ Spurs đang cầm bóng. Hậu quả là Spurs thoải mái luân chuyển bóng, triển khai tấn công hết đợt này tới đợt khác; đồng thời khi phản công, Arsenal không biết làm thế nào để bung ra khỏi cái bức tường thành phòng thủ do chính mình dựng ra.

Nhưng mỗi khi Ozil rời vị trí, dâng lên áp sát, khoảng trống lộ ra lại không được bọc lót hợp lí. Tiền vệ trung tâm lệch phải (Xhaka? Wilshere?) không dịch sang để trám vào, còn hậu vệ phải Bellerin thì lại luôn lao lên để tấn công trực tiếp đối phương đang có bóng, làm lộ ra khoảng trống giữa anh và Mustafi – khoảng trống mà không phải lúc nào Elneny cũng lấp được. Điều này là đặc biệt nguy hiểm vì hướng tấn công chủ yếu của Tottenham chính là cánh trái.

tactical-board.com

Cách tấn công của Tottenham: Son là một winger chơi trực diện, Eriksen dạt vào vùng “số 10” từ cánh phải. Alli có thể đổi chỗ cho Eriksen, hoặc tìm cách đột phá, khoét nách phải của Arsenal. Harry Kane có thể dạt qua sườn phải của Mustafi, lùi xuống hoặc chọn chỗ trong vòng cấm. Trippier dâng rất cao ở cánh phải, sẵn sàng cho những pha chuyển cánh

Bằng việc duy trì ưu thế quân số cũng như cự li hợp lí giữa các cầu thủ tấn công ở khu vực cánh trái, Tottenham có thể phối hợp nhóm, kéo đối thủ khỏi vị trí, tạo không gian, cũng như áp sát ngay lập tức nếu như mất bóng. Đây chính là lí do vì sao Spurs phản pressing rất tốt. Cũng phải nhắc tới cặp đôi tiền vệ trung tâm Dier – Dembele: bằng việc luôn để hai người này giữ vững vị trí ở phía sau, Spurs vừa có người càn quét khi để mất bóng, vừa có một “bệ phóng” để luân chuyển bóng một cách chắc chắn mỗi khi triển khai tấn công (cho dù không mấy sáng tạo).

Trong tình huống ghi bàn của Tottenham, Ozil rời vị trí để áp sát cầu thủ Spurs đang có bóng (Dembele), khoảng trống lộ ra mà Xhaka không hề bọc lót – cộng thêm với việc Arsenal thụ động, kết quả là Davies có thừa thời gian lẫn không gian để tạt chuẩn xác cho Kane ghi bàn.

Khi cả đội Arsenal lùi sâu và giữ chặt vị trí trước vòng cấm, phút 51, Dier thừa cơ tung ra đường chuyền bổng cho Kane đánh đầu suýt thành bàn.

Còn khi Ozil quyết định là…tắt điện đi ngủ và không làm gì cả, chúng ta có tình huống ở phút 26, khi Tottenham tạo được tình huống ưu thế quân số 3 v 2 ở cánh trái, Eriksen tạt cho Kane dứt điểm chệch khung thành.

3. Những sự thay đổi muộn

Như thường lệ, Wenger đợi tới hẳn phút 64 để thay đổi. Bằng việc tung Iwobi và Lacazette vào sân thay Elneny và Mkhitaryan, Arsenal chuyển sang 4-2-3-1 với cặp tiền vệ Wilshere – Xhaka, bộ ba tấn công Aubameyang (cánh trái) – Ozil (trung tâm) – Iwobi (phải) chơi sau trung phong Lacazette.

Arsenal chuyển sang chơi trực diện, nhanh và quan trọng nhất là rộng hơn. Lúc này họ có một Aubameyang luôn tìm cách xâm nhập từ cánh trái, có Ozil tự do với tầm hoạt động 360 độ, Iwobi thì bó vào trong để Bellerin dâng cao, còn Lacazette xuất phát ở vị trí lệch phải và chạy chéo vào bên trong. Nhịp độ đã tăng, bề rộng đã tăng, vấn đề là…độ chuẩn xác của đường chuyền thì không tốt. Spurs lại thừa cơ phản công và đáng lẽ ra tỉ số đã không dừng lại ở 1-0.

4. Kết luận

Arsenal chọn cách chơi thụ động và đã phải trả giá. Bản thân việc lùi sâu không có gì sai, kể cả có là “đại gia” đi chăng nữa, nhưng nếu như không thể phản công nhanh, nếu như không thể giữ được đội hình phòng thủ chặt chẽ và nếu như không có một chút áp lực nào đáng kể lên đối phương, việc thất bại không có gì là khó hiểu. Tóm lại, Arsenal không thể đấu lại đối thủ khi dâng cao cũng như khi lùi sâu, không tấn công được mà phản công cũng không xong. Trong khi đó, Tottenham của Pocchettino không quá đặc sắc nhưng đã làm vừa đủ, làm hiệu quả và bỏ túi 3 điểm (Cho dù họ có thể làm tốt hơn, để chiến thắng không sít sao như vậy).

Mổ băng: Arsenal 1-1 Tottenham

Thông số tỉ lệ cầm bóng 69% của Arsenal trong cả trận đấu (theo whoscored.com) cho thấy sự thống trị hoàn toàn trận đấu của họ. Tuy nhiên chính Arsenal lại không thể cụ thể hóa lợi thế của mình, để cho Tottenham ghi bàn mở tỉ số chỉ từ một tình huống sai lầm và phải vất vả để giành lại một điểm trên sân nhà.

Continue reading

Liverpool 5-0 Tottenham: Spurs bị thảm sát…thêm một lần nữa

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

Spurs thua muối mặt một lần nữa trong mùa giải năm nay – lần này là trên sân nhà White Hart Lane trước Liverpool, nhưng trận thua này có kịch bản khá giống so với trận thua 6-0 trước Man City.

 Andre Villas-Boas gặp một số vấn đề ở khâu nhân sự cho hàng phòng ngự, vì vậy ông đưa ra sân cặp trung vệ lạ lẫm Dawson – Capoue; đồng thời, ông có được sự phục vụ của một hậu vệ trái nghiêm chỉnh là Naughton, còn lại không có sự thay đổi gì. Bên phía Liverpool, Jon Flanagan tiếp tục được trao suất đá chính ở vị trí hậu vệ cánh trái, Skrtel – Sakho là cặp trung vệ của The Kop, trong khi Allen thế chỗ Gerrard trong đội hình.

1) Hàng phòng ngự dâng cao của Spurs

Đội hình xuất phát của hai đội

 Chính hàng phòng ngự dâng cao liều lĩnh của Spurs đã giết chết họ trong cuộc đối đầu với Man City – AVB biết điều này, và trong trận đấu với Man Utd, ông đã điều chỉnh cho đội bóng của mình chơi thấp hơn, hạn chế khoảng trống phía sau lưng. Tuy hòa 2-2, thực tế là Spurs đã chơi an toàn hơn. Tuy nhiên, trong trận đấu này AVB lại thay đổi cách tiếp cận, trở về với một hàng phòng ngự dâng cao.

 Có lẽ là ông muốn học trò gây áp lực ngay lập tức khi Liverpool triển khai phát bóng bên phần sân nhà – phương án này tỏ ra hứa hẹn ở những phút đầu trận khi thủ môn Mignolet cùng với Skrtel và Sakho tỏ ra lúng túng khi phối hợp với nhau. Tuy nhiên, Liverpool nhận ra cách đánh với Tottenham: họ tấn công nhanh và trực diện vào đằng sau. Tại sao lại không khi họ có trong tay Luis Suarez – một chuyên gia di chuyển không bóng và có tốc độ để xâm nhập hàng thủ đối phương – cũng như là có Sterling nhanh nhẹn, có Coutinho để tung ra những đường chọc khe và có cả Henderson trực diện? Hơn nữa, cặp trung vệ của Spurs trận này là Dawson và Capoue – một bộ đôi lạ lẫm và không hiểu ý nhau (một ví dụ là ở bàn thắng thứ nhất, Capoue đứng hoàn toàn sai vị trí).

 Kết hợp một hàng phòng ngự dâng cao và khả năng gây áp lực ở tuyến tiền vệ không tốt sẽ luôn dẫn tới thảm họa. Điều này đã xảy ra với Spurs trong trận thua trước Man City, khi Paulinho và Holtby không hề trợ giúp gì được cho Sandro ở dưới, để anh này bị áp đảo, và bây giờ thì nó lại xảy ra. Mặc dù sử dụng hai tiền vệ trụ Sandro và Dembele, tuyến giữa của đội chủ nhà vẫn được tổ chức không tốt và bị mở toang, để Henderson thoải mái băng lên phía trước. Cặp trung vệ cũng không thể theo sát được anh, và kết quả là Henderson phối hợp với Suarez đánh thẳng vào phía sau hàng phòng ngự đối thủ. Trong ba bàn thắng đầu tiên của Liverpool, yếu tố “Henderson băng lên xâm nhập” là quan trọng nhất. Phải nói rằng Henderson thi đấu rất tốt: anh tỏ ra tự tin trong xử lí bóng, phất một số đường chuyền dài chéo sân tốt trong đầu trận (giúp Liverpool tấn công trực diện), đồng thời được chơi đúng với sở trường của mình (chạy nhanh, chạy khỏe, đánh thẳng, đánh mạnh). Kết hợp với Coutinho dạt vào từ cánh trái (anh cũng góp phần thu hút sự chú ý của các tiền vệ Spurs) và Sterling bứt tốc bên cánh phải, Liverpool có được tốc độ cũng như sự cân bằng trong tấn công.

2) Liverpool kiểm soát khoảng trống

 Spurs có lẽ không có được ý tưởng trong tấn công. Con đường rõ ràng nhất của họ là dạt ra cánh. Họ đáng ra có thể chơi trực diện, đưa bóng tới Paulinho – người tiếp tục chơi vai trò “tiền đạo lùi” hỗ trợ Soldado, thoát khỏi tầm theo dõi của Lucas – tuy nhiên Liverpool thực sự đã được tổ chức rất tốt khi hạn chế gần như hoàn toàn những đường tấn công của đối thủ.

Liverpool ra sân với sơ đồ 4-1-4-1: Lucas chơi thấp nhất, phía trên anh là Allen và Henderson (trong những phút đầu, Allen lại là người chơi thấp nhất, chủ yếu lùi giữa hai trung vệ để tổ chức bóng lên cho Liverpool). Trước đây, khi họ chơi sơ đồ này, Lucas ở vị trí tiền vệ phòng ngự luôn bị áp đảo do hai tiền vệ trung tâm phía trên anh không hề hỗ trợ và quá dễ bị qua mặt. Nhưng lần này thì không. Bộ ba tiền vệ trung tâm của Liverpool giữ cự li với nhau và bọc lót rất tốt. Lucas làm mỏ neo phía dưới cho Henderson tung hoành; Henderson và Allen hết sức hỗ trợ cho Lucas, để cho cầu thủ người Brazil có trận đấu có lẽ là tốt nhất từ đầu mủa giải tới giờ.

 Có lẽ Brendan Rodgers và các fan Liverpool không muốn thừa nhận điều này, nhưng lí do họ kiểm soát khoảng trống ở hàng tiền vệ tốt hơn là vì…không có Gerrard. Đội trưởng của Liverpool rất phù hợp khi chơi với một đội bóng lùi sâu – khi không phải chịu áp lực từ đối phương, Gerrard được thoải mái đạo diễn trận đấu, và những phẩm chất khi tấn công của anh được thể hiện (mặc dù không thể nào nhanh, mạnh như trước đây). Tuy nhiên, khi đối phương dâng cao hơn, gây áp lực, Gerrard rất dễ bối rối, không thể xử lí được tình hình một cách hợp lí, hơn nữa ý thức vị trí không hoàn thiện của anh khiến cho đồng đội có thể gặp rắc rối – ví dụ như những khi Liverpool chơi với sơ đồ 4-1-4-1, Gerrard khá bị động cả khi đội nhà có hay không có bóng, góp phần làm cho Lucas cô độc trước hàng tứ vệ. Hôm nay, điều đó không xảy ra, vì Henderson và Allen đều làm việc rất chăm chỉ ở tuyến giữa cho đội khách.

3) Kết luận

 Villas-Boas vẫn đang mắc kẹt – phong cách bóng đá của Spurs là gì? Những bản hợp đồng ông đem về, tuy là nhiều phương án chiến thuật khác nhau, nhưng liệu có thật sự phục vụ cho một lối đá thống nhất? Nếu không sớm giải quyết, tương lai của Villas-Boas tại White Hart Lane sẽ là cực kì mờ nhạt.

 Về phía Liverpool, đây là một trận đấu tốt – nó cho thấy là Liverpool chơi tốt hơn khi tấn công trực diện và tốc độ, chứ không hẳn là mạnh ở việc cầm bóng liên tục như ý định ban đầu của Rodgers. Dù sao thì nếu duy trì được con đường đang đi, Liverpool hoàn toàn có thể cạnh tranh cho top 4 trong mùa giải năm nay.

Man United 2-2 Tottenham: Thế cờ tàn sớm

Trận cầu trong ngày “Super Sunday” giữa hai đội bóng lớn và cùng khao khát chiến thắng đã kết thúc với tỉ số hòa, với nhiều bàn thắng và với một số tình huống gay cấn, tuy nhiên thế trận chiến thuật lại không thật sự hấp dẫn.

Bên phía Tottenham, Villas-Boas đưa bộ ba Sandro – Dembele – Paulinho vào hàng tiền vệ trung tâm, Chadli chơi ở cánh trái; cặp trung vệ là Chiriches và Dawson trong khi Vertonghen tiếp tục chơi ở vai trò hậu vệ cánh trái. Còn về phía đội khách Man United, Welbeck xuất phát thế chỗ van Persie chưa bình phục chấn thương, và cặp tiền vệ trung tâm là Jones – Cleverley.

1) Cách tiếp cận mới của Tottenham

Đội hình xuất phát của hai đội

Villas – Boas đã rút ra được bài học sau trận thua thảm Man City vừa rồi. Nếu như trong trận đấu với Man xanh, ông cho các học trò dâng cao đội hình (mặc dù trong đội hình khi đó ông có một Dawson rất chậm và một Kaboul vừa mới trở lại sau thời gian dưỡng thương), xếp đội hình 4-1-2-3 và để mặc Sandro phải đối đầu với Nasri, Toure, Aguero cùng một lúc thì giờ đội hình của Spurs đã được chuyển sang tầm trung và thấp, đồng thời Dembele chơi ngang hàng với Sandro để hỗ trợ cầu thủ người Brazil (biến Spurs thành 4-2-3-1).

Sự lựa chọn cho người chơi ngay phía sau Soldado của AVB khá thú vị: Paulinho. Anh không phải là một tiền vệ sáng tạo và cũng không đóng vai trò sáng tạo trong trận đấu này. Nhiệm vụ của cầu thủ người Brazil là hỗ trợ sát sao Soldado (giống như một tiền đạo lùi), cùng Soldado áp sát 2 trung vệ MU (2 vs 2) và băng vào vòng cấm. Bộ đôi “tiền đạo” này của Spurs có một số tình huống phối hợp hay: ví dụ như phút 30, Spurs phản công 2 đánh 2, Soldado nhả bóng đúng tầm Paulinho, sau đó Paulinho chọc khe cho Soldado, chỉ tiếc là tiền đạo của Spurs lại sút ra ngoài. Rõ ràng, khi có một trợ thủ bên cạnh, Soldado chơi tốt hơn.

Một vũ khí khác của Tottenham là Lennon bên cánh phải. Số 7 của Tottenham chắc chắn là có lợi thế cực lớn trước một Patrice Evra 32 tuổi, và quả thực vậy: anh liên tục xâm nhập vào phía sau hàng phòng ngự MU, cụ thể là sau lưng Evra, gây khó khăn rất nhiều cho hậu vệ dày dạn kinh nghiệm người Pháp khi phải đuổi theo anh, đồng thời đóng một mũi khoan sắc bén. Có lẽ đội chủ nhà đã có thể khai thác vũ khí này tốt hơn: họ có thể tập trung luân chuyển bóng bên cánh trái, để Lennon chơi rộng ra, buộc Evra phải theo sát, dẫn tới lộ khoảng trống giữa trung vệ bên trái (di chuyển về hướng bóng cùng đội hình) và hậu vệ trái của United, từ đó có thể chọc khe.

Trong trận đấu này Spurs không gặp phải quá nhiều vấn đề ở hàng phòng ngự – ngoại trừ Walker. Cả hai bàn thua của Spurs đều có dấu ấn của anh: bàn thứ nhất là một lỗi trực tiếp với pha xử lí ngớ ngẩn, còn trong tình huống bàn thứ hai, anh đã lao lên tranh bóng với Vidic một cách không cần thiết khi rõ ràng là người bất lợi hơn, dẫn tới để hổng cánh phải cho Rooney khai thác.

2)United và một số điểm sáng

Trong thời gian nửa đầu hiệp 1, United cầm nhiều bóng hơn, trong khi Spurs lùi đội hình xuống và chờ cơ hội phản công. Đấu pháp của Moyes khá đáng chú ý với bộ ba Rooney – Kagawa – Welbeck phối hợp với nhau. Lúc đầu, Welbeck được bố trí ở cánh trái, Kagawa ở vị trí “số 10” và Rooney chơi cao nhất, nhưng ranh giới này không rõ ràng: Rooney luôn lùi xuống và di chuyển rộng ra cánh, Kagawa cùng Welbeck đổi chỗ cho nhau, hoặc là thực hiện một số tình huống xâm nhập khá tốt phía sau hàng hậu vệ Spurs. United không chỉ tấn công đơn điệu ở cánh như trước, mà bây giờ họ có sự phối hợp nhịp nhàng ở cánh trái lẫn khu vực giữa sân, Evra có khoảng trống để băng lên, cũng như Valencia chạy trực diện ở cánh phải để cân bằng (dù anh không thể đánh bại hoàn toàn Vertonghen).

Tuy vậy trong phần cuối hiệp 1 và cả hiệp 2, United chủ động lùi xuống sâu hơn, để Spurs gây sức ép. Kagawa được chuyển hẳn sang cánh trái, trong khi Welbeck đá cặp tiền đạo với Rooney. Cơ hội cho bộ ba phối hợp không còn được nhiều như trước, tuy vậy Kagawa di chuyển bó vào trong và tiếp tục thực hiện những đường chuyền đáng tin cậy của mình, Rooney châm ngòi cho United, trong khi Welbeck thường đảm nhiệm vai trò chơi cao nhất và di chuyển xâm nhập thông minh vào khoảng trống giữa hậu vệ – trung vệ hoặc giữa hai trung vệ (điển hình là tình huống anh băng xuống, dẫn tới quả phạt đền cho MU).

Trận đấu diễn ra không thật sự hấp dẫn – chất lượng kĩ thuật thiếu, yếu tố đột biến không có, cả hai đều phòng ngự khá chặt chẽ. Trong khi đó, những thay đổi nhân sự của Villas-Boas không đem lại điều gì mới, còn Moyes thay người khá muộn và khi đưa Nani cùng Young vào sân (thay Kagawa và Valencia), ý đồ khóa sổ trận đấu với tỉ số hòa đã rõ ràng – ông muốn lập “xe buýt 2 tầng”.

3) Kết luận

Hai đội bóng đã chơi tiến bộ hơn: United đa dạng hơn, trong khi Spurs cân bằng hơn, mặc dù phải nói cuộc đối đầu vừa rồi của hai bên không có gì đặc sắc cả. Tuy nhiên, trước mắt hai vị HLV của cả hai đội còn nhiều điều phải làm. Với Moyes, đó là xác định một triết lí nhất quán cho cỗ máy United chạy. Còn với AVB, ông cần phải tìm và tập hợp một đội hình ưng ý – hiện tại, Spurs có rất nhiều tài năng với đủ các lối chơi khác nhau, cho phép nhiều miếng đánh chiến thuật khác nhau, nhưng AVB vẫn đang trong quá trình thay đổi nhân sự cùng sơ đồ liên tục.

Arsenal 1-0 Tottenham: Phản công và chọc khe – công thức chiến thắng của các Pháo thủ

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

Trận derby Bắc London diễn ra với tất cả những gì người hâm mộ mong đợi: tốc độ cao, giàu cảm xúc, căng thẳng tới nghẹt thở những phút cuối – có thể một cơn mưa gôn không tới, nhưng bàn thắng duy nhất cũng khá đẹp và hai bên đều đã bỏ lỡ một số cơ hội. Cuối cùng, Arsenal là đội chiến thắng với một kế hoạch rõ ràng hơn.

Continue reading

Tottenham 1-0 Swansea: Một thế trận chặt chẽ và “bổn cũ soạn lại”

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

Trước đối thủ Swansea, Tottenham tuy có phần trên cơ nhưng không thể tìm được đường vào khung thành của Michel Vorm, và phải nhờ tới một quả penalty như trong trận gặp Crystal Palace, Gà trống mới có thể có 3 điểm.

 Villas-Boas đưa Capoue và Townsend ra sân ngay từ đầu, còn Sigurdsson thì ngồi trên băng ghế dự bị. Bên phía Swansea, Michu xuất phát ở vị trí tiền đạo cắm; ở hàng tiền vệ, Laudrup tiếp tục sử dụng 2 tân binh là Canas và Shelvey.

Đội hình xuất phát của hai đội

1) Cuộc chiến ở tuyến tiền vệ trung tâm

 Bộ ba tiền vệ của Swansea khá linh hoạt khi các cầu thủ có thể đổi vị trí cho nhau liên tục: Shelvey xuất phát ở vị trí cao nhất nhưng cũng thường xuyên lùi xuống để De Guzman băng lên, đồng thời đổi chỗ tiền vệ thấp nhất với Canas. Trong khi đó tuyến tiền vệ của Tottenham cố định hơn: Capoue chơi thấp nhất, Dembele cùng Paulinho ở phía trên (cấu trúc “1-2”) có nhiệm vụ áp sát 2 tiền vệ thấp nhất của Swansea.

 Mỗi tiền vệ trung tâm đều có một đối thủ riêng, vì vậy tuyến tiền vệ trung tâm không có khoảng trống khi hai bên “khóa” nhau.

2) Sự sáng tạo

 Chính vì các tiền vệ trung tâm của hai bên “khóa” nhau như vậy nên không có gì khó hiểu khi sự sáng tạo không tới từ khu vực trung tâm. Swansea không thích ứng được với sự pressing cường độ cao tới từ Tottenham và không thể điều tiết được trận đấu; họ hoặc là không thể chuyền ngắn từ hàng hậu vệ, hoặc là quá thiếu bình tĩnh và kiên nhẫn trước sức ép của Spurs, dẫn đến hậu quả là Michu bị “bỏ đói” (cũng cần phải nhắc tới màn trình diễn rất tốt ở vị trí tiền vệ phòng ngự của Capoue, giúp chia cắt mối liên hệ giữa Michu và tuyến tiền vệ). Mà trong khi đó, hàng tiền vệ Tottenham không có một gương mặt nào sáng giá về mặt sáng tạo, điều tiết cả – Paulinho và Dembele là những tiền vệ “box-to-box” còn Capoue rõ ràng là tiền vệ phòng ngự. Vấn đề này đã rõ ràng từ trận gặp Crystal Palace khi Tottenham không thể làm chủ và “kết liễu” được trận đấu, dẫn đến việc để cho đoàn quân của Ian Holloway ép sân mãnh liệt trong những phút cuối. Rõ ràng Villas-Boas cần một người giống như học trò cũ của ông ở Porto là Joao Moutinho.

 Vì vậy, đột biến chỉ có thể đến từ khu vực hai cánh. Swansea bế tắc, Routledge và Hernandez cũng không làm được gì nhiều. Còn về phía Tottenham, bóng được chuyển rất nhanh từ tuyến giữa ra hai cánh (đồng thời cũng có nhiều đường chuyền ngang sân và chéo sân), nơi có Nacer Chadli và Andros Townsend đều di chuyển vào trong và cầm bóng thẳng về phía cầu môn. Tuy vậy, mối đe dọa lớn nhất từ phía Spurs có lẽ là bộ đôi hậu vệ biên. Danny Rose được tự do băng lên do Hernandez không theo dõi sát anh (vì Hernandez luôn di chuyển vào trung tâm khi Swansea có bóng, bỏ lơ nhiệm vụ phòng ngự trước Rose), còn Walker lấn lượt hoàn toàn Wayne Routledge và liên tục chồng biên với Townsend. Rose và Walker trình diễn khá tốt khi lên công về thủ đều đặn và có một số đường tạt hứa hẹn, tuy nhiên Chadli lại không có ấn tượng gì đáng kể, còn Townsend tỏ ra quá đơn điệu – có cảm tưởng anh chỉ biết dùng chân trái – mặc dù anh cũng kiếm về cho Tottenham quả phạt đền.

3) Những sự thay đổi sau đó

 Việc Swansea rút về phần sân nhà trong hiệp 2 khiến Tottenham được thoải mái tấn công với tốc độ cao và áp lực lớn, nhưng với sự thiếu sáng tạo, họ vẫn gặp khó khăn trong việc tìm đường vào mành lưới của đội bóng xứ Wales.

 Sau khi nhận bàn thua, Swansea đẩy cao đội hình lên tấn công hòng kiếm bàn thắng. Vào lúc này, Villas-Boas thay đổi người: Sigurdsson thay Dembele, đưa đội hình Tottenham về 4-2-3-1 với cặp tiền vệ trụ Capoue – Paulinho, còn cầu thủ người Iceland đóng vai trò tiền vệ tấn công. Spurs tấn công đa dạng hơn và đã có cầu nối trực tiếp Soldado với tuyến dưới, tuy nhiên đội hình này lại cho phép tiền vệ của Swansea có khoảng trống.

 Khi thấy tình hình không khá hơn, Laudrup quyết định tung con bài tấn công Wilfried Bony vào sân thay Shelvey, đẩy Michu xuống đá tiền vệ tấn công. Tuyến tiền vệ trung tâm bị tắc nghẽn giờ như được mở tung ra, với mỗi bên có 2 tiền vệ trụ (2 tiền vệ tấn công đều không tham gia tranh chấp). Trước thế trận “mở” như vậy, Tottenham có nguy cơ đánh mất trận đấu vào tay đối thủ, tương tự như cảnh họ đã phải chịu trước Crystal Palace. Vì vậy, sự thay đổi ngưởi cuối cùng của AVB là một nước cờ khôn ngoan: ông đưa Sandro thay Townsend, đẩy Sigurdsson ra cánh phải, biến Spurs trở thành 4-3-3, khóa chặt tuyến tiền vệ trung tâm một lần nữa, kết thúc trận đấu.

 Kết luận

 Thêm một chiến thắng chật vật nữa cho Tottenham, và cũng cùng với một kịch bản như trận gặp Palace, họ cần một quả phạt đền. Villas-Boas có lẽ sẽ không thể hài lòng với sự thiếu sáng tạo trong đội hình hiện tại – Lamela đang trên đường tới White Hart Lane và sẽ cung cấp sự sáng tạo cho Spurs, tuy nhiên AVB cũng nên tính tới việc đưa về một tiền vệ “regista” kiểu Moutinho.