Barcelona 2-1 Real Madrid: Trận Siêu kinh điển đầu tiên thiếu thuyết phục của Ancelotti

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

Đây là trận El Clasico đầu tiên của hai huấn luyện viên (Tata Martino – Carlo Ancelotti) và hai tân binh (Neymar – Bale). Nhưng trong khi Tata đã chỉ đạo đội bóng của mình thi đấu một cách hợp lí thì Ancelotti và Real Madrid lại không được như vậy. Chiến thắng 2-1 cho Barca là hoàn toàn xứng đáng.

 Bên phía đội chủ nhà, Tata Martino đưa ra sân bộ “đinh ba” Messi – Fabregas – Neymar. Còn với đội khách, Pepe xuất phát ngay từ đầu cùng với Varane và Ramos, còn tân binh cực kì đắt giá Gareth Bale cũng có tên trong đội hình chính thức.

Đội hình xuất phát của hai đội

1) Đội hình Real

Ancelotti muốn tiếp tục cách tiếp cận mà ông đã sử dụng với PSG vào năm ngoái trước Barca (và cũng là cách Mourinho từng sử dụng): lùi xuống phòng ngự, dựa vào Ronaldo (nay có thêm Bale) để phản công nhanh chóng, đồng thời sử dụng một trung vệ ở vị trí tiền vệ phòng ngự mỏ neo nhằm bóp nghẹt tuyến giữa, hạn chế khoảng không gian hoạt động của Lionel Messi.

Cách tiếp cận này không sai – tuy vậy, trong trận đấu này, phương án chiến thuật của Real đã bị phá sản.

a) Real muốn lui về phòng ngự phản công. Tuy vậy, cách tổ chức phòng ngự của họ có vấn đề. Khoảng trống giữa các tuyến lộ ra nhiều:

+) Ramos không có ai để kèm, vì vậy có vẻ như anh không biết mình phải làm gì. Nhưng hàng tiền vệ của Real cũng tỏ ra bối rối. Khedira, theo sơ đồ, có nhiệm vụ chơi phía trên Ramos và đối thủ của anh là Iniesta, tuy nhiên nhiều lúc anh băng lên để áp sát Busquets, để lộ khoảng trống phía sau lưng. Không hề có sự chắc chắn cũng như kết dính trong cách Real tổ chức hàng tiền vệ: khoảng trống giữa hàng tiền vệ và hậu vệ lộ ra thường xuyên (quá dễ để Neymar, Fabregas hay Messi di chuyển vào khoảng trống này và nhận một đường chuyền); khoảng trống ở hai cánh (khi bộ ba tấn công Ronaldo – Bale – Di Maria áp sát một cách riêng rẽ, không thống nhất với các đồng đội và để cho Barca dễ dàng đưa bóng ra cánh, buộc các tiền vệ trung tâm phải dạt ra bọc lót – trách nhiệm phòng ngự của Bale và Ronaldo là gì?) cũng như khoảng trống giữa ba tiền vệ trung tâm với nhau.

Hãy xem tình huống ghi bàn thắng mở tỉ số của Barca: ba tiền vệ trung tâm dàn trải (Modric ở bên trái và phải trông chừng khoảng trống do Ronaldo để lộ, Khedira bị hút lên trên, Ramos cố gắng bao khoảng giữa sân và Di Maria ở cánh phải), Iniesta dễ dàng cầm bóng và băng vào khoảng không gian mà không gặp phải sự truy cản đáng kể nào trước khi chọc khe cho Neymar ghi bàn.

+) Real muốn giữ một đội hình cao, nhằm gây áp lực cho Barca. Tuy vậy, nếu bạn muốn đẩy đội hình lên cao mà không thể gây áp lực một cách hiệu quả lên đối phương, không pressing được thì điều này đồng nghĩa với tự sát. Thật vậy, đội hình cao của Real là miếng mồi ngon cho những pha chọc khe của Barca tới chân Messi và Neymar đang đà thoát xuống. Một ví dụ là vào phút 20 (tức là ngay sau bàn thắng mở tỉ số) Messi đã có cơ hội rất tốt khi thoát xuống đón đường chọc khe của Iniesta, nhưng lại bỏ lỡ một cách đáng tiếc.

b) Ramos được giao “vai trò Pepe”. Ancelotti rõ ràng muốn học theo Mourinho, dùng một trung vệ ở vị trí tiền vệ phòng ngự nhằm theo sát Messi. Tuy vậy, Messi trận này lại chơi ở cánh phải, Fabregas không hẳn là một “số 9 ảo”. Vậy là Ramos không có ai để kèm, và phương án chiến thuật của Ancelotti lại hóa ra thừa. Rámos không đóng góp gì mấy để giúp thế trận của Real tích cực hơn.

c) Real dựa vào Ronaldo, Bale để phản công, nhưng thực tế phương án này không hiệu quả (sẽ phân tích ở phần sau).

2) Đội hình Barca

Barca thường được nhắc đến là một đội bóng chủ động cầm bóng tấn công nhiều, pressing cao và dữ dội, nhưng lần này dưới trướng của Tata Martino, họ trở nên cẩn trọng hơn rất nhiều. Khi không có bóng, ít khi Barca kéo lên cao hơn vạch giữa sân để pressing, mà họ lùi về và lập khối phòng ngự hai tầng – Messi, Neymar, Fabregas đều cố gắng trong phòng ngự, bao bọc các khoảng trống của người khác nếu bị hổng, giúp Barca giữ khối phòng ngự được tổ chức tốt. Bằng cách này, Barca hạn chế được vũ khí nguy hiểm nhất (và là duy nhất) của Real: Tốc độ từ Ronaldo và Bale.

Sự thực dụng còn được thể hiện ở sự di chuyển của các hậu vệ biên: Adriano ở bên trái rõ ràng là thường ít băng lên hơn so với Alves bên cánh phải (cụ thể trong trận đấu này, Adriano chơi với vai trò giống của Abidal trước đây: một hậu vệ trái thường xuyên đứng ngang với các trung vệ, ít khi dâng cao), nhưng cả Alves cũng tỏ ra cẩn trọng hơn trong di chuyển – trước đây, Alves chơi rất cao, có khi như một wingback hoặc một tiền đạo cánh.

Barca tỏ ra khá sắc sảo trong tấn công: Iniesta băng lên từ hàng tiền vệ, Messi tuy không nổi bật nhưng vẫn là một mối đe dọa ở cánh trái của Real, liên tục di chuyển để phối hợp với đồng đội bên trong hoặc chơi rộng bên phía cánh phải; Neymar giúp Barca có thể tấn công Real theo nhiều hướng: dọc biên, giữa hàng tiền vệ – hậu vệ, hoặc xộc thẳng vào vòng cấm; và Fabregas di chuyển rộng, hoặc là lùi xuống để phối hợp với hàng tiền vệ, hoặc là băng về phía khung thành, hoặc là dạt ra cánh.

Tuy nhiên, Barca đã lùi quá sâu và để Real áp đảo hoàn toàn trong nửa cuối của hiệp 2 – những sự thay đổi của Ancelotti giúp đem vào những nhân tố tấn công mới giàu sinh lực hơn, sắc nét hơn: Benzema di chuyển, phối hợp tốt hơn nhiều so với Ronaldo ở vị trí tiền đạo cắm, Modric được đẩy lên cao khi Illarramendi vào sân; Jese sung sức, gây khó khăn cho Barca. Trước tình thế này, Tata đã phản ứng hợp lí: Sanchez, Pedro và Song vào sân giúp Barca tăng khả năng phòng ngự và có thêm những cầu thủ còn đang sung mãn về thể lực.

Kết luận

Một trận đấu tốt của Barcelona và Tata Martino trong trận El Clasico đầu tiên của nhà cầm quân người Argentina. Đội bóng Barca đã chơi đồng đội hơn, gắn kết hơn và hơn hẳn về mặt chiến thuật.

Còn về phía Real, họ có thể nói nhiều về việc trọng tài đã từ chối phạt đền cho họ, tuy vậy nếu Ancelotti không nhận ra và không kịp sửa chữa sự thiếu gắn kết trong đội hình của “Dải ngân hà”, sẽ thật khó để cho Real Madrid có thể trình diễn thuyết phục trong suốt mùa giải này, cũng như mơ tiếp giấc mơ Decima và đòi lại ngôi vô địch từ tay Barca.

Arsenal 1-2 Dortmund: Các hậu vệ biên quyết định trận đấu

 Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

Trận đấu trên sân Emirates là một cuộc chiến giữa hai đội bóng khá giống nhau, và thực tế là cả hai đã thi đấu cân tài cân sức với nhau, tạo nên một trận cầu kịch tính và có chất lượng cao. Đội nào thắng cũng đều xứng đáng, và kết quả là đội bóng tới từ Đức ra về với 3 điểm trong tay sau khi đã tận dụng cơ hội tốt hơn.

Wenger không có sự phục vụ của Flamini vì chấn thương, nên ông quyết định sử dụng Aaron Ramsey bên cạnh Arteta ở hàng tiền vệ trung tâm, đồng thời để Cazorla trên ghế dự bị và thay vào đó là Rosicky. Bên phía Dortmund, Piszczek vẫn phải ngồi ngoài, vì vậy Grosskreutz trám chỗ cho anh; ngoài ra, họ có trong tay đội hình mạnh nhất (ngoại trừ Jurgen Klopp bị cấm chỉ đạo.

1) Lối chơi của hai bên

Đội hình xuất phát của hai đội

Nếu như chia lối chơi của một đội bóng ra làm 2 giai đoạn: “Có bóng” và “Không có bóng” thì cả Arsenal lẫn Dortmund trong trận đấu này là tương tự nhau:

+) Khi không có bóng: Đều rút về, lập đội hình 4-4-2, với tiền đạo cắm và tiền vệ tấn công lập thành lớp “2” đầu tiên nhằm ngăn chặn bóng được chuyền từ hậu vệ đối phương tới tiền vệ trung tâm. Hai bên cố gắng giữ cự li đội hình tốt, hạn chế khoảng trống; bề rộng đội hình được duy trì hẹp. Dortmund chủ động dâng lên áp sát rất rát ở nửa phần sân nhà, trong khi Arsenal lùi về sâu hơn và không mấy mặn mà tới việc tranh chấp ở vòng tròn giữa sân (Bàn thắng mở tỉ số là một ví dụ tốt cho thấy điều Dortmund làm tốt nhất: Nhanh chóng áp sát đối phương, cướp bóng và lập tức phản công).

+) Khi có bóng: Đáng chú ý nhất là cách hai đội triển khai sau khi giành được bóng và phản công: các cầu thủ tiền vệ tấn công lập tức di chuyển vào trong và băng về phía khung thành, hậu vệ biên dâng cao theo để hỗ trợ.

Trận đấu trở nên có phần ngột ngạt do hai bên tìm cách “khóa” lẫn nhau và cố triển khai cách đá của mình tốt hơn đối thủ. Trong thế trận như vậy, chìa khóa để mở toang trận đấu đến từ hai biên.

2) Cuộc chiến ở hai biên

Thực vậy, sở dĩ hai biên có thể được lợi dụng nhằm mở khóa đối thủ là do Arsenal và Dortmund đều chơi với đội hình hẹp như đã đề cập ở trên – điều tất yếu là khoảng trống ở hai bên cánh sẽ mở ra cho hai hậu vệ biên khai thách. Arsenal và Dortmund đều nhận ra điều này, và đều đưa hậu vệ biên của mình lên – đáng chú ý nhất, là Sagna bên phía chủ nhà và Grosskreutz bên phía đội khách.

Sagna và Grosskreutz cũng có nhiều điểm chung: cùng chơi ở cánh phải, cùng băng lên tấn công nhiều lần (nhiều hơn so với đồng đội bên cánh đối diện, do Rosicky và Reus lui về chậm hơn, tạo khoảng trống cho hai hậu vệ phải băng vào) và những đường tạt của hai người đều…tồi như nhau – tuy nhiên, giữa tất cả những pha chạm bóng phí phạm đó, mỗi người lại có một đường bóng quyết định dẫn tới bàn thắng. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho cách tiếp cận của cả chủ lẫn khách để giải quyết thế bế tắc – bằng cách cho các tiền vệ tấn công bó vào trong, hậu vệ biên lại có thêm điều kiện để hoạt động.

Hướng tấn công của Arsenal - từ whoscored.com

Hướng tấn công của Arsenal – từ whoscored.com

Hướng tấn công của Borussia Dortmund - nguồn whoscored.com

Hướng tấn công của Borussia Dortmund – nguồn whoscored.com

Arsenal là đội đi xa nhất với phương án này. Cả Ozil, Rosicky và Wilshere đều không phải là cầu thủ bám cánh, nhưng họ vẫn có thể tấn công mà không sợ bị tắc nghẽn ở trung tâm (như trước đây họ đã từng gặp phải khi xếp Fabregas, Nasri và Arshavin) bởi vì sự di chuyển của Mesut Ozil – anh luôn di chuyển ra cánh, tìm và lợi dụng khoảng trống, khiến mạch triển khai bóng của Arsenal được thông suốt mà vẫn đa dạng, khó lường. Trong trận đấu này Ozil không nổi bật vì Dortmund đã khóa các khoảng trống tốt, khiến lối chơi của anh bị ảnh hưởng – tuy nhiên, anh vẫn đóng vai trò tác nhân tấn công cho Arsenal khi họ tập trung đánh cánh phải, đặc biệt là ở hiệp 2. Trong hiệp 2, Arsenal là đội chiếm quyền chủ động, họ đã bắt đầu phá được cấu trúc đội hình Dortmund, đặc biệt là khi đánh cánh phải – mục đích là lợi dụng áp đảo quân số để tạo cơ hội. Khi Cazorla được vào sân thay Wilshere, Arsenal có thêm sức tấn công – Cazorla đã nổi danh với vai trò “interior” từ những ngày ở Villareal.

Cách Arsenal đánh cánh phải. Ở đây, Rosicky có thể kéo tiền vệ trung tâm Dortmund khỏi vị trí, tạo điều kiện cho anh thoát xuống. Ozil ở cánh phải là tác nhân, phối hợp với Sagna đang băng lên từ phía sau. Bên trái, Cazorla di chuyển vào trong, thoát khỏi sự chú ý của cầu thủ Dortmund. Gibbs sẽ có khoảng trống để khai thác.

Dortmund bị ghìm chặt lại ở phần sân nhà và phải rất cố gắng mới có thể phòng ngự một cách hiệu quả. Tuy vậy, chính họ mới là người có bàn thắng ấn định tỉ số bằng chính vũ khí cánh phải của mình là Grosskreutz. Khi đưa Cazorla vào sân, Arsenal bên cạnh việc có được một cầu thủ tấn công nguy hiểm, họ còn mở thêm khoảng không gian cho Gibbs – nhưng đây cũng là một khâu yếu. Dortmund đã cướp bóng rất nhanh, lập tức chồng biên vượt qua Gibbs (2 chống 1 – Cazorla đang đứng ở giữa sân), Grosskreutz thoát xuống và tạt chuẩn xác cho Lewandowski đang trong tư thế không bị kèm dứt điểm thành bàn (lúc này, Sagna đã lên cao để chuẩn bị triển khai tấn công với các đồng đội, vì vậy không kịp chạy về để kèm Lewandowski). Cuối cùng, Dortmund đã trừng phạt Arsenal.

Kết luận

Dortmund chơi lối chơi thường ngày của họ, gắn chặt với những nguyên tắc trong lối chơi đã trở thành bản sắc và đã giành chiến thắng. Họ cho thấy thể lực sung mãn, tinh thần tốt và tư duy chiến thuật cao. Còn Arsenal, họ không có gì phải xấu hổ cả, khi họ đã thi đấu hay trước đối thủ, chơi với kỉ luật tốt và ăn miếng trả miếng với đội bóng vùng Ruhr.  Đây là một trận đấu cân bằng, đẹp và cơ hội chiến thắng được chia đều cho hai bên.

Sau trận này, cộng với trận thắng của Napoli trước Marseille, ba đội bóng từ Anh, Đức và Ý đều có 6 điểm – cục diện “bảng Tử thần” càng trở nên hấp dẫn và khó lường hơn nữa.

Fiorentina 4-2 Juventus: Forza Viola!

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

“Không thể tin được” chắc chắn sẽ là những từ để miêu tả chiến thắng của Fiorentina trước Juventus, khi họ đã bị dẫn 2-0 cho tới qua phút 60, nhưng vẫn ghi được tới 4 bàn để hoàn tất cuộc lội ngược dòng hết sức ngoạn mục. Trận đấu đã diễn ra khá cân bằng, hai đội tỏ ra khá ngang tài ngang sức và trận đấu đã có thể kết thúc với thắng lợi cho Juve, nhưng cuối cùng “cầm vàng lại để vàng rơi”.

Fiorentina xuất phát với 4 tiền vệ trung tâm là Pizarro, Ambrosini, Valero và Aquilani; trong khi đó, Juve đưa ra sân Marchisio thay cho Pogba và chọn cặp tiền đạo là Llorente – Tevez, ngoài ra giữ nguyên sơ đồ 3-5-2.

1) Cuộc chiến ở tuyến giữa

Đội hình xuất phát của hai đội

Cả hai đội đều có một regista ở vị trí thấp nhất: Pizarro của Fio và Pirlo của Juve. Và cả hai đều được tự do, không có một đối thủ trực tiếp nào kèm cặp cả. Kết quả là họ thoải mái điều tiết bóng cũng như băng lên phía trước để tạo tam giác phối hợp, áp đảo đối thủ. Về tầm ảnh hưởng lên lối chơi thì Pirlo là người nhỉnh hơn, với nhãn quan và tầm chuyền bóng tốt.

Hai tiền vệ trung tâm phía trên của mỗi bên cũng hoạt động khá giống nhau: Valero băng lên từ giữa sân để đưa bóng lên cung cấp cho tuyến trên, nhưng anh gặp phải cản trở mang tên Paul Pogba – cầu thủ trẻ người Pháp cũng thường xuyên băng lên xâm nhập đội hình đối phương (và anh làm công việc này cực tốt, với bàn thắng thứ hai của Juve là một dẫn chứng); Marchisio và Ambrosini thì cẩn trọng hơn (đặc biệt là Ambrosini, anh chơi khá thấp và ngang hàng với Pizarro).

Tevez và Aquilani không đóng góp gì cho trận chiến giành tuyến giữa, mà tập trung vào việc phối hợp với tiền đạo cắm.

Bên phía hai cánh, Cuadrado rất nổi bật và là một mũi tấn công chính của Fiorentina với khả năng đi bóng trực diện về phía khung thành của mình – anh đẩy một Asamoah vốn nguy hiểm trong tấn công thường ngày về thế phòng ngự. Còn ở cánh bên kia, Pasqual có mặt ở đúng vị trí, thoát khỏi tầm kiểm soát của Padoin và phối hợp với đồng đội, tuy nhiên không có nhiều diễn biến thú vị ở khu vực này.

2) Cặp tiền đạo

Fiorentina là đội có phần chủ động hơn trong trận đấu này. Họ tiếp cận khung thành Juve theo ba cách: Thứ nhất, Valero đưa bóng lên, như là một cầu nối hàng tiền vệ với tiền đạo. Thứ hai, Cuadrado. Thứ ba (cách được sử dụng rất nhiều trong nửa đầu hiệp một) là những đường bóng dài trực diện lên cho Rossi và Aquilani ở phía trên nhằm làm “chân chống”, buộc Juve phải lùi xuống. Tuy vậy, họ bị đánh bại trong thế 3 chống 2 – Juve không có khó khăn mấy trong việc phòng ngự.

Tình hình tương tự cũng xảy ra với Juve: Tevez muốn làm việc với Llorente như một cặp đôi tiền đạo, tuy vậy 3 trung vệ Fio, với lợi thế quân số, cũng giải quyết khá tốt điều này. Tuy vậy, Tevez không hoàn toàn vô dụng – anh thường lùi xuống khi đội nhà không có bóng và khi phản công thì là người đưa bóng lên phía trước, đóng vai trò ngòi nổ.

Quay trở lại phía Fiorentina – khi Fernandez vào sân thay Ambrosini, tuy cầu thủ người Chile không tạo được đột biến đáng kể, nhưng Fio đã có một mối liên kết mới giữa hai tuyến. Fernandez ít nhất cũng lùi xuống và phối hợp với tuyến giữa, làm Fio triển khai bóng có phần mạch lạc hơn.

3) Montella thay đổi chiến thuật

La Viola bị thua hai bàn chủ yếu là do lỗi cá nhân: Gonzalo Rodriguez trong bàn thứ nhất với pha truy cản không đáng có, Cuadrado với pha phá bóng hỏng ở bàn thứ hai. Thế trận tỏ ra không thay đổi và Fio không có vẻ gì là sẽ ghi được bàn danh dự…cho tới khi Montella thay người.

Đội hình 2 bên sau sự thay đổi chiến thuật của Montella

Joaquin được tung vào thay Aquilani – và Fiorentina chuyển sang 4-2-3-1, với Cuadrado chuyển sang cánh trái, Joaquin bên phải, Fernandez phía sau Rossi, Valero cặp cùng Pizarro ở hàng tiền vệ. Về lí thuyết đây là bước đi đúng khi Fio có thể lợi dụng lợi thế quân số 2 đánh 1 ở mỗi cánh nhằm khai thác hàng phòng ngự Juve – và họ đã làm vậy. La Viola đẩy đội hình lên tấn công nhanh chóng với cường độ cao, đặc biệt là áp lực ở hai cánh. Phái khen ngợi tinh thần chiến đấu của các cầu thủ Fiorentina: họ phối hợp, di chuyển chính xác, giữ nhịp tấn công mạnh và không bỏ cuộc. Bàn gỡ đầu tiên là một pha ngã đẹp; bàn thứ hai là cú sút rất tốt của Rossi và phản xạ chậm từ Buffon; bàn thứ ba là pha lập công trong thế hoàn toàn tự do của Joaquin (toàn bộ đội hình Juve đã bị kéo lệch sang bên phải và không ai kèm Joaquin – Asamoah đang ở đâu? Đây có thể coi là một bằng chứng cho thấy điểm yếu cánh Juve đã bị khai thác), còn bàn cuối cùng là một pha phản công rất mẫu mực.

Juve vùng lên với sự thay đổi sang 4-3-3 của Conte khi họ đã để thua 3 bàn (Giovinco thay Asamoah), tuy nhiên họ không thể làm được gì hơn ngoài việc nhìn Fio khóa sổ trận đấu.

Lời kết

Đây là một chiến thắng đẹp, không thể tin được và có phần…khó hiểu của Fiorentina. Tuy vậy, đây là đội bóng đã hoàn toàn áp đảo Milan khi chỉ chơi với 10 người vào mùa giải trước, vì vậy cũng không nên quá ngạc nhiên. Lần này, một vũ khí của họ đã được áp dụng: sự linh hoạt trong chiến thuật – điều mà Juve đang dần đánh mất.

Manchester City 1-3 Bayern Munich: Barca trên sân Etihad

 Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

Có lẽ những nghi ngờ  về năng lực của Bayern dưới thời Pep đã tan biến sau trận đấu này, khi họ có một màn trình diễn cực kì chói sáng trên sân Etihad, biến đội chủ nhà trở thành những kẻ bị động và khù khờ hết mức.

Pep Guardiola tiếp tục với “phát hiện mới” của mình: đưa Lahm lên đá tiền vệ phòng ngự (anh sẽ đá cùng Kroos và Schweinsteiger tại hàng tiền vệ trung tâm), tức là Rafinha sẽ xuất phát ở vai trò hậu vệ cánh phải; Mandzukic được thay thế bằng Muller. Bên phía Man City, Clichy trở lại bên hành lang cánh trái, Richards xuất phát bên phải – ngoài ra thì đội hình của Man City không có sự thay đổi.

1) Bayern kiểm soát hoàn toàn trận đấu

Đội hình xuất phát của hai đội

Thông số thống kê không phải là hoàn toàn tối ưu, nhất là trong bóng đá, vì chưa chắc ta đã thấy được bức tranh toàn cảnh. Tuy nhiên trong trận đấu này, thông số về thời lượng kiểm soát bóng của Man City (34% – 66%, theo whoscored.com) đã cho thấy sự thống trị của Bayern trước gã nhà giàu thành Manchester.

Vậy câu hỏi đặt ra, là Bayern đã làm điều đó như thế nào? Thứ nhất, là cách họ triển khai chuyền bóng. Philipp Lahm – người chơi vai trò tương tự Sergio Busquets ở Barca – hoàn toàn được tự do khi không có ai kèm anh (Aguero có lẽ không làm được điều này – vậy thì Jovetic ở đâu?) và anh thoải mái thực hiện nhiệm vụ luân chuyển bóng, tạo bệ phóng cho những đợt tấn công của Bayern. Sự di chuyển, chạy chỗ của các cầu thủ Bayern cũng rất ấn tượng: họ di chuyển liên tục, tạo khoảng trống cho các đồng đội cũng như để phối hợp tạo các tam giác, kéo khối phòng ngự của Man CIty khỏi vị trí; người này dạt khỏi vị trí thì sẽ có người khai thác – giống như cái cách mà tiki-taka ở Barca được vận hành.

Thứ hai, là họ pressing. Đội hình của Man City bị ghim lại ở nửa phần sân nhà, để cho những Muller, Kroos thoải mái tung hoành và tắc bóng ở vị trí cao trên sân. Kết quả là Man City không thể đưa được bóng lên phản công – đường cánh trái của Nasri tỏ ra thoáng nhất cho Man xanh, nhưng đội hình Bayern nhanh chóng lui về và giành lại được bóng.

2) Bayern khai thác Man CIty

Chúng ta đều đã biết Bayern chơi bóng ngắn, bật nhả, pressing mạnh mẽ để kiểm soát hoàn toàn thế trận. Nhưng họ đã khai thác khoảng trống như thế nào?

Thứ nhất, họ khai thác cánh trái của Man City. Samir Nasri có xu hướng bó vào trong, và đây là cơ hội không thể tốt hơn cho Rafinha có thời cơ băng lên tấn công, phối hợp với Robben – người có xu hướng di chuyển vào trong như một tiền đạo thứ hai. Trong tình huống Bayern ghi bàn mở tỉ số, Rafinha là người được tự do băng lên (Nasri vẫn còn đang ở giữa sân, và người đuổi theo anh là Aguero lại không bám chặt) trước khi lật cánh sang cho Ribery. Trong quá trình trận đấu diễn ra, Nasri buộc phải ở vị trí phòng ngự do sự thống trị hoàn toàn của Bayern, tuy nhiên anh cũng không thật tốt trong việc này.

Thứ hai, họ khai thác khoảng trống phía bên phải của The Citizens – cụ thể hơn, là sau lưng Yaya Toure và giữa Toure – Navas (tạm gọi là Space X).  Cầu thủ người Bờ Biển Ngà luôn có xu hướng tiến lên áp sát Lahm, để lộ khoảng trống phía sau cho Bayern khai thác – đồng thời anh lùi về vị trí chậm hơn so với Fernandinho (có thể thấy rõ ở bàn mở tỉ số của Ribery, khi “Gã mặt sẹo” đẩy bóng bằng chân phải qua Navas và lợi dụng khoảng trống mình có được – tạo ra do Toure chưa kịp lùi về – để sút xa thành bàn). Với khoảng trống này, một tiền vệ trung tâm của Bayern (Kroos) có thể băng lên phía trước, và đặc biệt là bộ đôi Ribery – Alaba có thể khai thác triệt để điểm hở này: một trong hai sẽ di chuyển vào Space X, kéo Navas theo, thu hút sự chú ý của anh này, tạo điều kiện cho người kia đang bám theo đường biên băng xuống.

Phối hợp ở “Space X”. Toure đứng lệch vị trí, tạo khoảng trống cho Bayern khai thác. Ribery và Alaba có thể đối chỗ cho nhau. Ở đây, Navas bị kéo vào, tạo khoảng trống cho Alaba/Ribery băng xuống. City phòng ngự với phạm vi hẹp, vì vậy khoảng trống được lộ ra

Thứ ba, cũng cần phải nhắc tới một chút vai trò của Muller. Anh, có thể nói, là “làm mỗi thứ một ít”: áp sát trung vệ Man xanh, tranh chấp bóng bổng, xâm nhập phía sau hàng phòng ngự đối phương, lùi xuống phối hợp, dạt cánh…với 100% sức lực và một sức bền rất cao. Anh góp phần làm cho Bayern tấn công uyển chuyển hơn, tạo điều kiện cho Robben di chuyển vào trong với vai trò “tiền đạo thứ hai”, còn bản thân mình có mặt ở những vị trí nguy hiểm khác (điển hình là trong tình huống anh ghi bàn, khi anh đứng ở vị trí khá rộng và băng xuống dứt điểm).

3) Man City đối phó

Đấu pháp của Pellegrini đã sai lầm ngay từ đầu. Tại khu trung tuyến, Man City chỉ có 2 cầu thủ là Toure và Fernandinho – mà thậm chí đây lại là một cặp đôi gặp vấn đề trong việc khống chế khoảng trống (do lối chơi hai người là giống nhau), còn Aguero thì đứng nguyên ngang hàng với Dzeko ở trên. Nhưng Aguero và Dzeko đều không làm được gì trước hàng phòng ngự của Bayern – họ bị mắc bẫy việt vị liên tục. Dante và Boateng đủ cao cũng như đủ nhanh để đối phó với hai họng pháo của The Citizens.

Thật khó trách được Toure và Fernandinho – họ rõ ràng không phải một cặp tiền vệ lí tưởng nhất, vậy mà vẫn phải cố gắng chống lại 3 tiền vệ Bayern cũng như những pha chạy chỗ thông minh của các cầu thủ Hùm xám xứ Bavaria.

Sự thay đổi người của Pellegrini tỏ ra có hiệu quả. Silva (thay Aguero) đóng vai trò tiền vệ tấn công, khiến 1) Man City không bị áp đảo về quân số như trước và 2) Silva di chuyển ở khu vực giữa hàng tiền vệ và hậu vệ, hoạt động ở không gian bên trái và phải của Lahm, giúp City có thêm ý tưởng trong lúc tấn công. Tình huống Man City gỡ 1-3 và tình huống Silva chọc khe cho Toure, dẫn tới việc Boateng bị thẻ đỏ đã cho thấy điều này. Đồng thời, Alvaro Negredo tỏ ra hữu dụng hơn so với Dzeko. Sở dĩ Man City làm được như vậy một phần là do Bayern đã lùi xuống, giảm cường độ tấn công vì đã dẫn tới 3 bàn, nhưng nếu như Pellegrini thay người sớm hơn thì liệu bảng tỉ số có khác?

Kết luận

Pep Guardiola đã có chiến thắng chứng tỏ mình, sau một thời gian đầu Bayern Munich bị chỉ trích khi thích nghi với HLV mới. Một lần nữa, họ đã nhắc nhở toàn bộ châu Âu rằng, Hùm xám là một đội bóng có chất lượng. chiều sâu và cực kì đa dạng trong các phương án chiến thuật – và trên hết, họ đang là Vua.

Pellegrini là người thận trọng trong các trận đấu lớn ở đấu trường châu Âu, nhưng đấu pháp ban đầu của ông lại không cho thấy điều đó. Man City buộc phải hết sức tập trung sau cú vấp ngã này – họ giờ không thể nào tiếp tục “non và xanh” để rồi bị loại như trước nữa.