Tottenham 1-0 Arsenal: Thiếu lửa, Arsenal chịu thua

Một trận derby Bắc London tương đối nhạt nhòa kết thúc với chiến thắng giành cho Tottenham Hotspurs. Đoàn quân của Arsene Wenger tiếp tục sa lầy và viễn cảnh năm thứ hai liên tiếp không có lễ St.Totteringham đang gần hơn.

Arsene Wenger sử dụng sơ đồ chiến thuật 4-3-3 với bộ ba tiền vệ trung tâm Granit Xhaka – Jack Wilshere – Mohamed Elneny. Tân binh Henrikh Mkhitaryan chơi ở cánh trái, còn ngôi sao vừa gia hạn hợp đồng Mesut Ozil chơi ở cánh phải. Trong khi đó, đội hình của Spurs, với sơ đồ 4-2-3-1, không có sự bất ngờ nào cả.

tactical-board.com

Đội hình xuất phát của hai đội

1. Arsenal và những vấn đề

Các học trò của Wenger khởi đầu trận đấu bằng cách dâng cao đội hình, áp sát đối thủ ngay tại phần sân đội bạn. Cách pressing của họ không có gì quá phức tạp: Tiền đạo áp sát trung vệ, tiền vệ cánh thì áp sát hậu vệ biên, tiền vệ trung tâm thì bắt lấy tiền vệ trung tâm. Cụ thể hơn: Nếu Davinson Sanchez có bóng, Aubameyang sẽ áp sát anh này, còn Mkhitaryan sẽ kèm Trippier, Xhaka theo sát Dier (đang lùi xuống gần hàng hậu vệ để nhận bóng). Tuy nhiên, cách tiếp cận này không hiệu quả này vì các cầu thủ Arsenal thực hiện áp sát không thực sự quyết liệt, tạo điều kiện cho cầu thủ của Spurs có thể chạm bóng cũng như thực hiện cách thoát pressing: hoặc là câu bóng dài qua đầu hàng hậu vệ cho Kane và Alli đua tốc độ; hoặc là chuyền cho Kane – người thường xuyên lùi xuống khu vực hàng tiền vệ, tạo hướng chuyền để đồng đội đưa bóng lên một cách dễ dàng.

Họ cũng không làm tốt hơn trên mặt trận tấn công. Cụ thể hơn, vấn đề của Arsenal xuất hiện ngay ở khâu phát bóng lên (build-up).

ars_buildup_4

Arsenal luôn luôn kéo đội hình rộng và cao khi build-up: hai hậu vệ biên dâng lên cao và bám sát biên; tiền vệ trung tâm cũng cách xa trung vệ

ars_buildup_5

Khoảng cách rộng giữa các cầu thủ Arsenal trong giai đoạn build-up khiến họ không kết nối được với nhau. Kết quả là một đường phát bóng dài lên

Thực tế, có một tình huống mà các cầu thủ Arsenal tạo được ưu thế áp đảo về quân số trong build-up:

ars_buildup_1

Các cầu thủ của Arsenal đứng gần hỗ trợ nhau

ars_buildup_2

…tạo ra sự rối loạn trong cách pressing của Spurs. Eriksen bị hút theo Xhaka, Kane bám theo Elneny. Một hướng chuyền mở ra cho Ozil khi Xhaka trả bóng lại cho Koscielny

ars_buildup_3

Arsenal lợi dụng được ưu thế về số cầu thủ ở giữa sân để tạo cơ hội

Kể cả khi lên được bóng, Arsenal cũng gặp bế tắc. Đối thủ của họ rút về lập đội hình phòng ngự 4-4-2 khá hẹp, giữ khoảng cách theo bề ngang cũng như bề dọc khá tốt. Còn Arsenal, họ có 3 tiền vệ trung tâm xoay vòng theo một cách tùy hứng; có một Mesut Ozil chỉ thích dạt vào trong trung lộ hoặc hành lang trong (half-space) phải; có Mkhitaryan mặc dù di chuyển khá đa dạng nhưng lại có xu hướng nhận bóng tới chân và quặt vào bên trong. Có nghĩa là, Arsenal có tới 5 cầu thủ ở trung lộ, cố gắng phối hợp nhỏ với nhau trong một khoảng không gian hẹp mà Tottenham đã “giăng lưới” sẵn, trong khi không có một bài vở nào rõ ràng.

Vì vậy, kế hoạch của Arsenal là: lùi đội hình thật sâu, phòng ngự phản công. Pháo thủ xếp theo đội hình 4-1-4-1, đôi lúc là 4-5-1 phẳng, lùi về sát với vòng cấm và coi trọng việc thủ thế hơn là tìm cách gây áp lực lên cầu thủ đối phương đang có bóng. Nhưng như vậy, họ lại gặp phải hai vấn đề:

  • Phản công không tốt
  • Sơ hở ở hàng phòng ngự

Hai vấn đề này có thể được diễn giải thông qua phân tích màn trình diễn của một cầu thủ Arsenal: Mesut Ozil.

2. Mesut Ozil

Wenger không bao giờ có thể bỏ Ozil trên băng ghế dự bị. Siêu sao người Đức luôn phải có mặt trên sân, cho dù Wenger có phải đẩy anh ra cánh. Trong trận đấu này, Ozil chơi ở vị trí tiền vệ phải và với đấu pháp dựa vào phòng ngự sâu của Arsenal, nhiệm vụ của Ozil sẽ là phòng ngự cánh phải một cách kỉ luật, đồng thời làm một ngòi nổ khi Arsenal phản công.

Tuy nhiên Ozil không phải là một cầu thủ có thể phản công hiệu quả khi chơi ở vị trí này. Thay vì cầm bóng bứt tốc thật nhanh, Ozil thích bóng tới chân để tổ chức lối chơi hơn. Như vậy, tốc độ phản công của Arsenal đã bị giảm đáng kể (cộng thêm cả việc Aubameyang cũng lùi sâu). Mkhitaryan chịu khó chạy, chạy không bóng tốt, biết chạy trực diện lên phía trước khi phản công, nhưng những đường chuyền quyết định của cầu thủ người Armenia lại vô cùng đáng thất vọng. Cũng phải kể tới việc Tottenham đã phản pressing rất tốt – chi tiết sẽ được nhắc tới ở phía sau.

Vấn đề thứ hai nằm ở khâu phòng ngự. Định kiến “tiền vệ sáng tạo, kiến thiết lối chơi mà ra cánh đá thì thế nào cũng để hổng cánh” không hoàn toàn đúng. Ozil thực tế đã giữ được kỉ luật. Anh có để hổng vị trí không? Có. Nhưng đây là hệ quả của cách tiếp cận trong phòng ngự của Wenger, chứ không hẳn là lỗi của cá nhân Ozil.

Cụ thể, Ozil giữ được vị trí, Ozil biết đeo bám hậu vệ biên dâng cao của đối thủ. Nhưng Ozil muốn chủ động áp sát hơn. Arsenal lùi sâu, rất sâu và gần như không gây áp lực lên cầu thủ Spurs đang cầm bóng. Hậu quả là Spurs thoải mái luân chuyển bóng, triển khai tấn công hết đợt này tới đợt khác; đồng thời khi phản công, Arsenal không biết làm thế nào để bung ra khỏi cái bức tường thành phòng thủ do chính mình dựng ra.

Nhưng mỗi khi Ozil rời vị trí, dâng lên áp sát, khoảng trống lộ ra lại không được bọc lót hợp lí. Tiền vệ trung tâm lệch phải (Xhaka? Wilshere?) không dịch sang để trám vào, còn hậu vệ phải Bellerin thì lại luôn lao lên để tấn công trực tiếp đối phương đang có bóng, làm lộ ra khoảng trống giữa anh và Mustafi – khoảng trống mà không phải lúc nào Elneny cũng lấp được. Điều này là đặc biệt nguy hiểm vì hướng tấn công chủ yếu của Tottenham chính là cánh trái.

tactical-board.com

Cách tấn công của Tottenham: Son là một winger chơi trực diện, Eriksen dạt vào vùng “số 10” từ cánh phải. Alli có thể đổi chỗ cho Eriksen, hoặc tìm cách đột phá, khoét nách phải của Arsenal. Harry Kane có thể dạt qua sườn phải của Mustafi, lùi xuống hoặc chọn chỗ trong vòng cấm. Trippier dâng rất cao ở cánh phải, sẵn sàng cho những pha chuyển cánh

Bằng việc duy trì ưu thế quân số cũng như cự li hợp lí giữa các cầu thủ tấn công ở khu vực cánh trái, Tottenham có thể phối hợp nhóm, kéo đối thủ khỏi vị trí, tạo không gian, cũng như áp sát ngay lập tức nếu như mất bóng. Đây chính là lí do vì sao Spurs phản pressing rất tốt. Cũng phải nhắc tới cặp đôi tiền vệ trung tâm Dier – Dembele: bằng việc luôn để hai người này giữ vững vị trí ở phía sau, Spurs vừa có người càn quét khi để mất bóng, vừa có một “bệ phóng” để luân chuyển bóng một cách chắc chắn mỗi khi triển khai tấn công (cho dù không mấy sáng tạo).

Trong tình huống ghi bàn của Tottenham, Ozil rời vị trí để áp sát cầu thủ Spurs đang có bóng (Dembele), khoảng trống lộ ra mà Xhaka không hề bọc lót – cộng thêm với việc Arsenal thụ động, kết quả là Davies có thừa thời gian lẫn không gian để tạt chuẩn xác cho Kane ghi bàn.

Khi cả đội Arsenal lùi sâu và giữ chặt vị trí trước vòng cấm, phút 51, Dier thừa cơ tung ra đường chuyền bổng cho Kane đánh đầu suýt thành bàn.

Còn khi Ozil quyết định là…tắt điện đi ngủ và không làm gì cả, chúng ta có tình huống ở phút 26, khi Tottenham tạo được tình huống ưu thế quân số 3 v 2 ở cánh trái, Eriksen tạt cho Kane dứt điểm chệch khung thành.

3. Những sự thay đổi muộn

Như thường lệ, Wenger đợi tới hẳn phút 64 để thay đổi. Bằng việc tung Iwobi và Lacazette vào sân thay Elneny và Mkhitaryan, Arsenal chuyển sang 4-2-3-1 với cặp tiền vệ Wilshere – Xhaka, bộ ba tấn công Aubameyang (cánh trái) – Ozil (trung tâm) – Iwobi (phải) chơi sau trung phong Lacazette.

Arsenal chuyển sang chơi trực diện, nhanh và quan trọng nhất là rộng hơn. Lúc này họ có một Aubameyang luôn tìm cách xâm nhập từ cánh trái, có Ozil tự do với tầm hoạt động 360 độ, Iwobi thì bó vào trong để Bellerin dâng cao, còn Lacazette xuất phát ở vị trí lệch phải và chạy chéo vào bên trong. Nhịp độ đã tăng, bề rộng đã tăng, vấn đề là…độ chuẩn xác của đường chuyền thì không tốt. Spurs lại thừa cơ phản công và đáng lẽ ra tỉ số đã không dừng lại ở 1-0.

4. Kết luận

Arsenal chọn cách chơi thụ động và đã phải trả giá. Bản thân việc lùi sâu không có gì sai, kể cả có là “đại gia” đi chăng nữa, nhưng nếu như không thể phản công nhanh, nếu như không thể giữ được đội hình phòng thủ chặt chẽ và nếu như không có một chút áp lực nào đáng kể lên đối phương, việc thất bại không có gì là khó hiểu. Tóm lại, Arsenal không thể đấu lại đối thủ khi dâng cao cũng như khi lùi sâu, không tấn công được mà phản công cũng không xong. Trong khi đó, Tottenham của Pocchettino không quá đặc sắc nhưng đã làm vừa đủ, làm hiệu quả và bỏ túi 3 điểm (Cho dù họ có thể làm tốt hơn, để chiến thắng không sít sao như vậy).

Arsenal đang phòng ngự kém như thế nào trước những đội bóng mạnh?

Bài dịch từ blog Spielverlagerung của tác giả Lewis Ambrose, bản gốc tại đây. Một số ý kiến và giải thích của người dịch được thêm vào để làm rõ nghĩa hơn.

Arsenal là một đội bóng ưu tiên kiểm soát bóng, vì vậy họ thường có xu hướng pressing ngay trên phần sân đối phương cùng một hàng phòng ngự dâng cao, đôi lúc là tới vạch giữa sân. Cách tiếp cận đó là hợp lý để đảm bảo cự ly đội hình theo chiều dọc, tuy nhiên cần phải thẳng thắn rằng Arsenal không biết cách pressing hiệu quả (dù đã cải thiện tương đối nhiều trong 2 mùa giải trở lại đây) – điều đó khiến họ trở nên dễ bị tổn thương trước những đối thủ có sức mạnh tương đương hoặc có chiến thuật đủ tốt (điều thường xuất hiện ở châu Âu hơn là tại nước Anh).

Continue reading

Mổ băng: Arsenal 1-1 Tottenham

Thông số tỉ lệ cầm bóng 69% của Arsenal trong cả trận đấu (theo whoscored.com) cho thấy sự thống trị hoàn toàn trận đấu của họ. Tuy nhiên chính Arsenal lại không thể cụ thể hóa lợi thế của mình, để cho Tottenham ghi bàn mở tỉ số chỉ từ một tình huống sai lầm và phải vất vả để giành lại một điểm trên sân nhà.

Continue reading

Everton 3-0 Arsenal: Đội chủ nhà toàn thắng

 Trận cầu mang tính quyết định của Arsenal kết thúc với một thất bại bẽ bàng và vô cùng xứng đáng cho Arsene Wenger và các học trò, khiến cơ hội vô địch Ngoại hạng Anh của họ gần như là không còn.
Roberto Martinez đưa cầu thủ trẻ John Stones vào thế chỗ cho Phil Jagielka bị chấn thương. Leon Osman xuất phát thay cho Ross Barkley ngồi trên ghế dự bị (nhưng tới phút thứ 8, Osman bị chấn thương và Barkley phải vào thay) ; Steven Naismith cũng có suất đá chính. Bên phía Arsenal,Per Mertesacker – Thomas Vermaelen và Mikel Arteta – Mathieu Flamini vẫn tiếp tục có tên trong đội hình chính thức. Aaron Ramsey vừa mới trở lại sau chấn thương và ngồi trên ghế dự bị cùng Alex Oxlade-Chamberlain và Yaya Sanogo.

Đội hình xuất phát của hai đội

Đội hình xuất phát của hai đội

1) Chiến thuật lạ của Everton
Martinez là một huấn luyện viên rất sáng tạo. Ông sử dụng một sơ đồ 3-4-3 “phiêu lưu” cho Wigan, giúp đội bóng này tránh xuống hạng nhiều lần, đạt cúp FA trong khi vẫn chơi một thứ bóng đá tích cực. Và hôm nay, ông để Lukaku ra cánh phải, Naismith đá cao nhất, Mirallas sang vị trí lệch trái không quen thuộc.
Logic là như thế này: Lukaku sẽ đóng vai trò “tiền đạo thứ hai” khi di chuyển từ cánh vào, đồng thời việc hậu vệ trái của Arsenal thường không dâng cao bằng đồng nghiệp bên cánh đối diện sẽ giúp tiền đạo người Bỉ không bị khai thác; Naismith di chuyển rộng, sẽ hợp thành với Lukaku tạo thành “cặp tiền đạo”, trong khi Mirallas tấn công vào phía sau lưng Sagna khi anh này băng lên.
Martinez biết rõ những điểm yếu của Arsenal nơi hàng phòng ngự: hậu vệ phải hay dâng cao (vì vậy ông muốn dùng Mirallas để phản công thay vì một Naismith phòng ngự tốt hơn); cặp trung vệ Mertesacker – Vermaelen không thật sự mạnh, Vermaelen chọn vị trí kém còn Mertesacker chậm, vì vậy đặt hai người vào thế 2 chống 2 nhằm kéo họ ra khỏi vị trí là một phương án tốt.
Và kết quả thì trên cả tuyệt vời, khi cả ba bàn thắng của Everton đều là hệ quả từ chiến thuật này.
+) Trong bàn thắng thứ nhất, Mirallas hút Mertesacker theo, trong khi Naismith lùi xuống và kéo Vermaelen lên khỏi vị trí, từ đó tạo ra một khoảng trống rộng cho Baines chuyền vào tới chân Lukaku đang băng vào.
+) Bàn thắng thứ hai tới từ pha đi bóng vào và dứt điểm bằng chân trái của Lukaku, từ một tình huống phản công.
+) Bàn thắng thứ ba xuất phát từ việc Mirallas cướp bóng của Sagna, đi bóng vào khoảng trống rộng lớn trước mặt.
2) Trận đấu tệ hại của Arsenal
Everton chơi hay nhất trong những tình huống phản công, khi có những khoảng trống phía sau lưng Arsenal và Lukaku, Naismith, Mirallas có thể đánh trực tiếp vào hàng hậu vệ đội khách. Đồng thời, khi cầm bóng tấn công, họ triển khai một cách có mục đích và khá sắc. Trong khi đó, Arsenal không làm được bất cứ điều gì tốt cả.
Các Pháo thủ muốn đẩy cao lên pressing, nhưng Everton thoát khỏi vòng áp sát của họ một cách quá dễ dàng bằng cách đưa Barry lùi xuống thành một trung vệ thứ ba, tạo thành thế 3 người chống lại Giroud và Rosicky. Họ cũng không cắt được bóng sau đó khi Barkley (thay Osman bị chấn thương từ phút thứ 8) lùi xuống để hỗ trợ đồng đội ở giữa sân và phải lùi xuống một phần ba sân của mình, trong khi Everton tấn công một cách trực diện.
Tệ hơn cả là cách Arsenal triển khai tấn công. Everton chủ động lùi xuống nửa phần sân nhà của mình, dùng hai cầu thủ đứng cao nhất của mình là Naismith và Osman/Barkley áp sát Flamini và Arteta. Everton dần dần lùi sâu về trước vòng cấm của mình, buộc Arsenal phải phá vỡ một cái “xe bus” trước khung thành Howard. Trong những lúc như thế này, sự di chuyển không bóng của các cầu thủ Arsenal là hết sức tệ, khiến họ trở nên vô dụng trước tầng lớp phòng thủ của The Toffees. Không có những pha băng cắt trực diện từ dưới lên, không có những tam giác hay những bài bản chạy chỗ phối hợp để vượt qua khối phòng ngự màu áo xanh. Rosicky và Cazorla di chuyển ngang qua lại, nhưng tất cả những gì các cầu thủ Arsenal làm được là chờ bóng tới chân và tìm cách phối hợp trước mặt đối thủ thay vì xuyên phá. Điều quan trọng nhất mà Arsenal cần là sự di chuyển “thẳng”, sự đột phá (theo tiếng Anh là “vertical movements”) nhằm kéo theo cầu thủ Everton, tạo khoảng trống và lợi dụng khoảng trống đó, nhưng Arteta và Flamini không làm được điều này, Podolski gần như chỉ đứng yên một chỗ trong khi Rosicky và Cazorla thì hầu như di chuyển theo chiều ngang sân. Những cầu thủ như Ramsey, Chamberlain là lí tưởng hơn cả, nhưng họ đều bị cất trên băng ghế dự bị.
Trong trận này, Arsenal bị khối phòng ngự của Everton đẩy ra cánh, nhưng họ lên bóng chủ yếu ở cánh phải, không khai thác khu vực cánh trái nơi khả năng phòng ngự của Everton là khá yếu (phải đến gần cuối hiệp 1 Arsenal mới nhận ra điều này), và khi có bóng ở cánh, các Pháo thủ cũng không phối hợp gì mấy: thay vì kéo giãn hàng phòng ngự đối thủ, Arsenal trông đợi vào những cú tạt.
Khi đã không thể tấn công một cách hiệu quả, Arsenal dễ dàng bị mất bóng và dính những đòn phản công của Everton như đã trình bày ở trên. Còn khi phản công, Arsenal bị chặn đứng lại rất nhanh. Hướng phản công khả dĩ nhất của họ là ở cánh phải, đánh vào vị trí sau lưng Baines và bên trái của Distin, nhưng Arsenal không có khả năng làm được việc này khi mũi nhọn phản công của họ là Podolski lại ở bên trái và gặp khó trước Coleman.
Nói tóm lại, trong cả bốn giai đoạn của cuộc chơi, Arsenal đều thua cả bốn.
3) Những sự thay đổi người
Wenger đợi đến phút 65 mới đưa Ramsey và Chamberlain vào sân, đợi tới phút 70 để đưa Sanogo vào thay Giroud, trong khi đó là việc đáng ra ông phải làm từ sau giờ nghỉ. Arsenal tấn công đa dạng hơn với sự di chuyển tốt của cả Ramsey lẫn Chamberlain, nhưng Everton lúc này tập trung vào lập khối phòng ngự và lợi dụng những khoảng trống Arsenal bỏ lại ngày càng nhiều phía sau lưng để phản công, với tốc độ của Mirallas, Naismith và Lukaku. Hai sự thay đổi người của Martinez đều đơn giản: McGeady sung sức thay thế một Naismith đã hoàn thành nhiệm vụ, trong khi Deulofeu thay Lukaku để thêm tốc độ cho những pha phản công.
Trong khi đó, Arsenal vẫn tiếp tục bế tắc, khi cơ hội ngon ăn nhất họ tạo ra là cú sút chạm xà của Chamberlain cùng với bàn thắng không được công nhận của Sanogo.
4) Kết luận
Một chiến thắng toàn diện và vô cùng xứng đáng cho Martinez cùng các học trò. Ông thầy người Tây Ban Nha đưa ra một chiến thuật lạ và hết sức sáng tạo, đồng thời cũng hết sức hiệu quả. Everton không chỉ khai thác được những điểm yếu của đối thủ, họ còn tỏ ra vượt trội về tất cả các mặt, mặc dù Arsenal mới là đội cầm bóng nhiều hơn hẳn. Còn Arsenal, họ đang gặp một cơn khủng hoảng nghiêm trọng về mặt tâm lí, chiến thuật cũng như niềm tin. Cuộc đối đầu với Wigan tại đấu trường cúp FA – cơ hội duy nhất cho Pháo thủ giải khát danh hiệu – đang trở nên khó khăn hơn, cũng như cuộc đua giành vé dự Champions League mùa sau.

Bayern Munich 1-1 Arsenal: Phép màu không lặp lại

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

Arsenal đã từng để thua trước Milan và Bayern Munich trong hai kì Champions League trước đây, để rồi thắng ngược lại và ra khỏi cuộc chơi trong tư thế ngẩng cao đầu. Nhưng lần này, trên sân Allianz Arena, điều này đã không xảy ra.

 Lukas Fabianski bắt chính cho Arsenal trong trận này. Vị trí hậu vệ cánh trái của đội bóng nước Anh do Thomas Vermaelen đảm nhiệm; Alex Oxlade-Chamberlain chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm cùng Mikel Arteta. Lukas Podolski có tên trong đội hình xuất phát. Bên phía Bayern Munich, Javi Martinez song hành cùng Dante ở vị trí trung vệ, Bastian Schweinsteiger trở lại hàng tiền vệ cùng Thiago Alcantara, còn Mario Gotze cũng có mặt ngay từ đầu.

 Bayern là đội nắm quyền làm chủ trận đấu và thật sự là đã áp đảo Arsenal, khiến các Pháo thủ thành London không tạo ra được nhiều cơ hội, cho dù tỉ số 1-1 có thể không cho thấy như vậy.

Đội hình xuất phát của hai đội

 1) Bayern xuống cánh tấn công

 Trong trận đấu này, Pep Guardiola sử dụng đội hình 4-2-3-1 cho đội bóng của mình, với Schweinsteiger – Thiago là bộ đôi tiền vệ trung tâm, Gotze chơi ở phía trên trong vai trò tiền vệ công trung tâm.

 Khi trong giai đoạn triển khai bóng từ phát bóng (ngắn), Schweinsteiger sẽ hơi lùi xuống, gần với hai trung vệ hơn – nhưng không quá xa so với Thiago.

 Cánh phải là hướng tấn công chính của Bayern. Lahm khởi đầu khá thấp (chỉ hơi chếch lên so với Dante và Martinez) và băng lên sau. Anh di chuyển khá đa dạng: Bám biên để Robben bó vào trong, hoặc xâm nhập bất ngờ vào “half-space” bên phải (ở đây là không gian giữa Koscielny – Vermaelen – Arteta – Chamberlain). Về phần Robben, anh di chuyển ăn ý cùng Lahm: khi thì cắt vào trong, khi thì bám biên, khi thì đứng sát hậu vệ để đón đường chọc xuống như một tiền đạo thứ hai. Bên cạnh đó, Schweinsteiger cũng dâng cao hỗ trợ tấn công, xâm nhập lớp phòng ngự của Arsenal.

 Bên phía cánh trái, Alaba dâng lên cao và phối hợp chồng biên với Ribery: hoặc là Ribery bó vào và Alaba bám biên, hoặc hậu vệ trẻ người Áo có thể tấn công vào trong. Hướng tấn công này của Bayern đơn giản hơn so với phía đối diện.

 Cũng phải kể đến vai trò của Mandzukic và Gotze, mặc dù hai người này không lên tiếng như các đồng đội. Mandzukic đóng vai trò làm tường, giúp các đồng đội tiến lên, cũng như đẩy lui hàng hậu vệ Arsenal xuống; còn Gotze dạt qua hai bên cánh để tạo áp đảo quân số ở mỗi bên.

Bayern triển khai bóng và những khả năng di chuyển của các cầu thủ (kể cả Neuer)

2) Arsenal triển khai lối chơi

 Đội khách khởi đầu khá tích cực, áp sát tầm trung và cao với đội hình 4-4-1-1 và khiến Bayern lúng túng. Một phần cũng là do đội hình của Bayern khi triển khai bóng: lúc này, Schweinsteiger không lùi sâu và dễ bị lọt vào tầm khống chế của Arsenal, Bayern gặp khó khăn trong việc đưa bóng lên trên và phải sử dụng những đường bóng dài chéo sân tới cho Ribery để giải tỏa áp lực.

 Những phút sau đó, Schweinsteiger lùi sâu hơn, Bayern có thể triển khai bóng ra thông qua kênh của anh và Lahm. Đồng thời, Arsenal lùi xuống, có lẽ là không thể duy trì được cường độ chơi như ban đầu, Giroud cũng không dẫn đầu những đợt pressing cao nữa, và để cho Bayern có thời gian thi triển lối chơi của mình.

3) Cách Bayern khống chế Arsenal

 Những đợt triển khai tấn công từ phần sân nhà của Arsenal đã bị Bayern kiểm soát một cách hiệu quả. Trong giai đoạn này, đội hình của Arsenal có dạng 2-3-1-3-1, với hai hậu vệ biên đẩy lên cao nhằm tạo bề rộng, Chamberlain lên cao, Arteta đứng trước hai trung vệ. Ozil, người được bố trí ở cánh phải trong trận này, di chuyển vào trong gần với Giroud. Mục tiêu của Arsenal là cố gắng đẩy lên luôn theo chiều dọc, chứ không giống cách làm của Bayern hay áp dụng là kéo ra theo bề rộng rồi tiến lên.

 Tuy vậy, Bayern đã có cách pressing hiệu quả. Đội hình lúc này của họ có dạng 4-2-3-1. Mandzukic áp sát trung vệ của Arsenal, còn Gotze thấp hơn, bám sát Arteta. Điều này đảm bảo cho việc Koscielny và Mertesacker phải đẩy bóng ra cánh – nếu điều này xảy ra, ngay lập tức tiền vệ cánh và hậu vệ cánh tương ứng sẽ áp sát đối tượng của mình, không cho họ kịp quay ra. Kết quả là Arsenal gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa bóng lên phía trước. Còn nếu Pháo thủ muốn chơi bóng dài thẳng lên cho Giroud? Dante và Martinez luôn sẵn sàng tranh chấp, các đồng đội của hai anh cũng được tổ chức tốt để đoạt bóng bật ra.

Trong trường hợp này, bóng được chuyền ngắn sang bên phải cho Sagna. đội hình Bayern sẽ được dịch sang tương ứng, trong khi mỗi người vẫn đảm bảo quản lí được khu vực cũng như cầu thủ đội bạn của mình. Thiago sẵn sàng bọc lót – kết quả là Arsenal tắc nghẽn ở khu vực này.

 Khi Arsenal phản công, Bayern cũng làm tốt khi pressing ngay tại chỗ, ngăn không cho Arsenal tiến lên. Tuy nhiên điểm sáng của Arsenal ở đây là Chamberlain. Cầu thủ trẻ người Anh sử dụng tốc độ và kĩ năng rê dắt của mình để nhanh chóng vượt qua sự truy cản của Bayern, khởi đầu những đợt phản công cho Arsenal. Tốc độ của anh là mối đe dọa với Dante và Martinez – điển hình là tình huống phạm lỗi và nhận thẻ vàng của Dante.  Với việc Ozil chơi ở bên cánh phải, sàn diễn thuộc về một mình Chamberlain. Về mặt số liệu, Chamberlain hoàn thành 10 pha đi bóng – một con số ấn tượng (trong khi người có số lần đi bóng nhiều thứ hai là Robben có 5 lần).

4) Những sự thay đổi cuối trận

 Tuy chiếm thế thượng phong như vậy nhưng Bayern lại không thể tận dụng được những cơ hội. Bàn thắng duy nhất của họ được ghi bởi Schweinsteiger với một pha xâm nhập vòng cấm rất tốt, làm bất ngờ hoàn toàn các cầu thủ Arsenal. Đội khách buộc phải dồn lên áp sát đối thủ với cường độ cao hơn – điều đó đã dẫn tới bàn thắng san hòa tỉ số của Podolski sau pha cướp bóng trong chân Lahm.

 Pep Guardiola quyết định thay đổi chiến thuật vào phút 59 khi thay Gotze bằng Toni Kroos. Bayern hoạt động với ba tiền vệ trung tâm: Kroos thường lùi sâu nhất, giúp Thiago và Schweinsteiger đẩy cao lên; anh nhận bóng từ các trung vệ cũng như giúp đưa bóng thẳng tới chân Ribery và Robben. Có thể coi đây là một biện pháp khóa chặt khu trung tuyến, không cho Arsenal lên bóng được theo một mạch thông suốt. Trong khi đó, những sự thay đổi của Arsenal đều không phải là những biến hóa chiến thuật xuất sắc mà chỉ là đưa những cầu thủ còn sung sức để tăng thêm tốc độ cũng như áp lực lên đối thủ: Rosicky (thay Ozil), Gnabry (thay Arteta) và Flamini (thay Chamberlain). Nhưng lúc này đội quân của Pep đã sẵn sàng lui về nửa sân nhà và lập khối phòng ngự vững chắc – thậm chí họ còn kiếm được một quả penalty, nhưng lại không tận dụng thành công.

5) Kết luận

 Bayern đã nhập cuộc tốt hơn trận lượt đi, và nhìn chung đấu pháp của Hùm xám xứ Bavaria là ổn. Arsenal không triển khai được thế trận và cho dù đã ngăn chặn được những cơ hội dành cho từ đội bóng nước Đức, họ không thể nào có được một màn lội ngược dòng ngoạn mục như hai lần trước nữa. Đã không có phép màu nào xảy ra – Bayern tỏ ra tốt hơn Arsenal, và là đội chiến thắng.

Arsenal 0-2 Bayern Munich: Khởi đầu ấn tượng của Arsenal bị chặn lại bởi thẻ đỏ

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

Arsenal suýt nữa đã vượt lên dẫn trước đương kim vô địch Champions League, trong khi Hùm xám xứ Bavaria lại tỏ ra thiếu hiệu quả, nhưng chiếc thẻ đỏ dành cho Szczesny buộc Arsenal phải từ bỏ lợi thé đó và chấp nhận thua trận.

Mikel Arteta bị treo giò, vì vậy Flamini và Wilshere xuất phát tại tuyến giữa của đội chủ nhà. Wenger còn gây thêm một bất ngờ khi sử dụng Yaya Sanogo thay vì Oliver Giroud. Bên phía Bayern Munich, Javi Martinez được giao cho vai trò tiền vệ phòng ngự, phía trên anh là Toni Kroos và Thiago Alcantara. Mario Gotze thế chỗ Franck Ribery bị chấn thương.

Đội hình xuất phát của hai đội

1) Sự vụng về của Bayern

Arsenal chơi khá tích cực: họ thi đấu với đội hình tầm trung-cao, pressing theo dạng 4-4-2. Hai tiền vệ trung tâm Wilshere – Flamini có vai trò chính là áp sát, giữ vị trí ở giữa sân nhằm cắt các hướng chuyền của phía Bayern, trong khi Cazorla và Ozil có thể thay nhau bọc lót cánh trái. Wilshere và Flamini sẵn sàng dâng lên rất cao, sẵn sàng để lộ khoảng trống phía sau lưng, kết hợp với Sanogo và Ozil ở phía trên để gây áp lực lên các cầu thủ Bayern.

Trong khi đó thì Bayern lại thi đấu, nếu so với chuẩn thường ngày của họ, kém. Bayern không tạo ra được nhịp chuyền bóng, gặp khó khăn trước áp lực đến một cách bất ngờ từ Arsenal. Các đường bóng triển khai ở trung lộ của đại diện Đức đều bị bóp nghẹt. Vấn đề là ở bộ ba tiền vệ trung tâm: Martinez ở vị trí “mỏ neo” có thể có khả năng cắt bóng, tắc bóng lẫn phán đoán tốt, nhưng khi cần triển khai bóng thì khả năng di chuyển không bóng của anh lại tỏ ra khá hạn chế. Kroos và Thiago đều chơi quá gần Martinez: Kroos lùi xuống, tận dụng từng khoảng trống nhỏ và là người cầm bóng nhiều nhất, còn Thiago chơi cao hơn, nhưng cả hai đều không có những tình huống di chuyển lên phía trên cao để xâm nhập hàng phòng ngự Arsenal. Với việc tuyến giữa bị vô hiệu như vậy, Bayern phải trông chờ vào Lahm và Alaba để mở đường về phía trước. Tuy vậy, hai hậu vệ biên này lại tỏ ra khá đơn độc khi di chuyển đơn điệu là chạy dọc biên – không có những tình huống “chồng biên ngược” (hậu vệ cánh di chuyển vào phía trong thay vì tiền vệ).

2) Cách Arsenal tấn công

Bayern tổ chức pressing cao theo đội hình 4-3-3: Ví dụ như khi trung vệ phải (Mertesacker) có bóng, Mandzukic sẽ áp sát Mertesacker, tiền vệ trái (Robben và sau đó là Gotze) áp sát Sagna, tiền vệ phải có mặt ở không gian giữa Koscielny và Gibbs. Tiền vệ trung tâm trái (LCM) của Bayern sẽ tiến về hướng bóng, đồng thời chọn vị trí để “bao” được tiền vệ trung tâm phải (RCM) của Arsenal phía sau lưng. RCM Bayern kèm LCM Arsenal, trong khi Martinez ở tiền vệ phòng ngự kèm tiền vệ tấn công của Arsenal. Hàng hậu vệ, đặc biệt là hậu vệ biên, dâng cao lên và sẵn sàng áp sát nếu đối phương qua được lớp pressing thứ nhất.

Bayern triển khai pressing. Trong trường hợp này, đối phương đang triển khai bóng bên phía cánh phải của họ. Tương tự với cánh đối diện.

Tuy nhiên phương án pressing này tỏ ra không mấy hiệu quả. Szczesny có thể đá bóng dài lên cho Sanogo và Arsenal đẩy lên tranh chấp dữ dội bóng bật ra. Đồng thời họ có những cầu thủ có thể đột phá tốt như Wilshere và Oxlade – Chamberlain. Cách họ thoát khỏi lớp pressing của Bayern cũng khá ấn tượng: Cazorla sẽ di chuyển vào trong và đóng vai trò của một tiền vệ trung tâm bên cạnh Flamini, giúp Wilshere lên cao (để Martinez kèm) và Ozil sẽ di chuyển lên cao hơn. Đây cũng chính là cách họ có được quả penalty, khi Wilshere bứt tốc qua Martinez và chọc khe cho Ozil. Sau đó, trong hiệp một, Arsenal tập trung vào sử dụng tốc độ của Chamberlain để phản công nhanh chóng.

3) Thẻ đỏ và những thay đổi

Sự quyết liệt trong cách chơi của Arsenal là ấn tượng, tuy nhiên vẫn có những sơ hở nhất định. Bayern chủ yếu triển khai bóng khá tự do ở cánh phải, một phần là do cách bố trí nhân sự và do chấn thương của Gibbs (mặc dù đội bóng Đức cũng không thật sự khai thác một cách hiệu quả). Flamini – Wilshere nhìn chung là làm tốt nhiệm vụ bảo bọc trước hàng tứ vệ, đặc biệt là Flamini. Tuy nhiên, Wilshere lại còn khá ngây thơ: phút thứ hai, anh lao ra bám Kroos một cách không cần thiết khi đó là khu vực mà Flamini đang canh gác và hoàn toàn có thể giải quyết, dẫn tới; và sau đó, anh lại lao ra quá sớm khi truy cản Robben, thành ra không lùi về kịp và để cho Kroos có khoảng trống để chuyền cho Robben, kiếm lấy quả penalty và chiếc thẻ đỏ cho Szczesny.

Arsenal lại lâm vào tình thế giống hệt Man City trong ngày hôm qua, khi cũng phải nhận một quả penalty, cùng mất người và cùng phải ghi bàn để nuôi hi vọng. Nhưng trong khi Barca không thật sự quyết tâm “tiêu diệt” đối thủ thì Bayern lại có. Đầu hiệp hai, Pep thực hiện sự thay đổi: Jerome Boateng, người đã dính một thẻ vàng, rời sân để Rafinha vào thay. Martinez về đá trung vệ, Lahm thi đấu ở tiền vệ phòng ngự và Rafinha chơi ở vị trí hậu vệ phải. Phía trên, Robben chuyển hẳn sang phải (sau khi lang thang khỏi vị trí ở cánh trái trong suốt hiệp một) và đóng vai trò một tiền đạo thứ hai.

Bayern tỏ ra rất kiên nhẫn và hiệu quả trong việc cầm giữ bóng cũng như kéo giãn hàng phòng ngự Arsenal để tạo cơ hội. Phía bên trái, Thiago di chuyển lên cao hơn hẳn, kết hợp với Alaba cũng như Gotze, liên tục phối hợp, ban chuyền đảo vị trí để tấn công vào khu vực half-space của Arsenal. Bên phải, Lahm tự do băng lên phối hợp với Robben và Rafinha (hậu vệ người Brazil di chuyển đa dạng hơn Lahm trong hiệp một nhiều).  Kroos là tiền vệ thấp nhất, thường xuyên di chuyển thông minh và có mặt ở rìa vòng cấm – pha ghi bàn thứ nhất là một ví dụ như vậy. Arsenal đơn giản là không thể nào phòng ngự được hiệu quả trước một Bayern như vậy, chứ đừng nói tới ghi bàn.

Nhưng Pep vẫn chưa hài lòng, và ông muốn các học trò phải đánh tiếp. Thomas Muller và Claudio Pizarro được tung vào sân, trở thành cặp đôi tiền đạo của Bayern. Khả năng di chuyển không bóng và lợi dụng khoảng trống của họ là tuyệt vời. Hãy xem bàn thắng thứ hai, khi Pizarro kéo Mertesacker đi, tạo điều kiện cho Muller đón đường tạt từ Lahm mà không sợ bị vấp phải thử thách và ghi bàn.

4) Kết luận

Arsenal có thừa đủ lí do để cảm thấy tiếc nuối. Kế hoạch ban đầu của họ không bị động như của Man City, và họ đã đến rất gần với bàn thắng, nhưng cuối cùng số phận của Pháo thủ lại giống với đội bóng thành Manchester vào tối hôm qua khi họ không thể chống cự trong thế thiếu người.

Còn với Bayern, tình thế của họ là ngược lại so với Arsenal: kế hoạch ban đầu của họ không làm việc, và đại diện nước Đức bế tắc (tương tự Barca tối qua, nhưng sự bế tắc của Barca tới từ chính đấu pháp của họ, trong khi Bayern bị Arsenal ngăn cản phần nào). Nhưng khi đối phương bị mất người – một tình thế 10 chống 11 mà đôi khi còn khó chơi hơn là lúc hai đội đủ quân số – Pep đã giải quyết tình hình rất tốt. Bayern Munich có lợi thế hai bàn trên sân khách – nhưng biết đâu đấy khi người ta không mong đợi, Arsenal lại gây ra điều bất ngờ thì sao?

Liverpool 5-1 Arsenal: Trận thua toàn diện của Wenger và các học trò

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

Một cơn ác mộng thật sự cho Arsenal – thủng lưới từ giây thứ 53, nhận bốn bàn thua sau 20 phút, không thể tạo nổi một cơ hội ra hồn và nhận thất bại 5-1 đầy cay đắng trong trận đầu tiên của “Tourmalet”.

Arsene Wenger đưa Alex Oxlade – Chamberlain vào đội hình xuất phát, Jack Wilshere đá cặp cùng Mikel Arteta ở trung tuyến, còn Nacho Monreal đóng vai hậu vệ trái thay cho Kieran Gibbs. Bên phía Liverpool, Brendan Rodgers giữ nguyên đội hình so với trận đấu trước.

Đội hình xuất phát của hai đội

1) Những điều Liverpool làm được

+) Thứ nhất, Liverpool phản công cực kì hiệu quả. 

Đầu tiên phải nhắc tới vai trò của Sterling. Cầu thủ trẻ của Liverpool được đánh giá cao không chỉ bởi vì tốc độ mà còn bởi ý thức chiến thuật của anh: anh có thể theo sát hậu vệ biên đối phương, đồng thời hỗ trợ Coutinho bên cạnh khi phòng ngự. Trong trận đấu này, anh được chuyển sang cánh trái (và Coutinho cũng lệch trái) có lẽ để khống chế Bacary Sagna. Và cũng như những trận trước, anh hoàn thành tốt nhiệm vụ này của mình. Không chỉ có vậy, Sterling còn băng lên với tốc độ đáng kinh ngạc mỗi khi Lữ đoàn đỏ phản công.

Sturridge được đưa ra cánh phải, thay phiên với Suarez bảo vệ khu vực này. Bộ đôi này vẫn có thể kết hợp với nhau khi phản công, nhất là khi hai hậu vệ biên của Arsenal lên cao mỗi khi Pháo thủ phát bóng từ thủ môn. Tình huống như vậy đã xảy ra vào phút 11, khi Sturridge và Suarez 2-đánh-2 với Koscielny và Mertesacker, nhưng Sturridge lại đệm bóng ra ngoài.

Coutinho cũng chơi rất tốt ở vị trí tiền vệ trung tâm mới mẻ của mình. Anh giữ cự li tốt với Sterling cũng như Henderson và Gerrard, đồng thời băng lên tấn công khi Liverpool phản công. Theo whoscored.com, Coutinho thực hiện 5 “key pass”, nhiều nhất trong số các cầu thủ thi đấu.

+) Thứ hai, Liverpool chơi tốt trong giai đoạn “không có bóng”

Họ chơi với sơ đồ 4-1-4-1, đội hình ở tầm trung và thấp. Vấn đề của Liverpool từ mùa giải trước (và một số lần ở mùa này) khi thiết lập đội hình như vậy là hàng tiền vệ của họ thường bị hở ra, nhất là khi đối thủ phản công – dẫn tới việc tiền vệ phòng ngự (thường là Lucas) bị quá tải. Nhưng trong trận đấu này, điều đó không xảy ra. Đội hình của họ được duy trì hẹp, chắn các phương án chuyền của Arsenal. Steven Gerrard, dù vẫn bị nghi ngờ về khả năng chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự, đã có trận đấu tốt do được sự hỗ trợ rất đắc lực từ phía các đồng đội.

Nhìn chung, Liverpool có sự tổ chức tốt, phòng ngự hiệu quả, sẵn sàng tranh chấp và tranh bóng rất tốt – một tiền đề cho phản công hiệu quả và ghi bàn thắng. Tất nhiên một phần lớn là do sự kém hiệu quả của Arsenal (sẽ nói kĩ hơn ở phần sau).

+) Thứ ba, Liverpool pressing tốt

Không chỉ giữ được cự li tốt khi phòng ngự ở sân nhà, trong những phút đầu của trận đấu, Liverpool còn áp sát Arsenal tốt, không cho Arsenal một góc chuyền nào cả.

 2) Những điều Arsenal không làm được

+) Thứ nhất, họ không chống lại được những đường phản công của Liverpool. Có thể điểm qua những nguyên nhân như sau:

– Hai hậu vệ biên của Arsenal đẩy lên rất cao khi họ triển khai bóng, dẫn đến việc chỉ còn hai trung vệ – hậu quả là tạo ra khoảng trống giữa trung vệ – hậu vệ ở cả hai bên, đồng thời Arsenal rất dễ gặp phải tình huống 2-đánh-2 như đã nói ở trên. Bàn thắng thứ ba là một ví dụ cụ thể.

– Ở phía trên, Cazorla di chuyển sâu vào trong và không thể trở lại vị trí khi Liverpool phản công bên cánh trái của Arsenal – điều này khiến Arsenal gặp nguy hiểm gấp bội, nhất là khi Sturridge và Suarez phối hợp ở khu vực này. Thêm vào nữa là Ozil không giúp gì cả trong khâu chống phản công – anh bị cướp bóng và…đứng nguyên tại chỗ nhìn đối thủ phản công chớp nhoáng và ghi bàn. Ở tuyến giữa, Wilshere không giúp gì cho Arteta, không lui về đúng lúc và để cho tiền vệ Liverpool vượt mặt.

– Đội hình của Arsenal bị kéo lên quá cao. Có thể là do bàn thua quá sớm khiến họ phải đẩy cao đội hình lên tấn công, nhưng dù sao kết quả vẫn là một khoảng trống mênh mông phía sau – mảnh đất màu mỡ cho Liverpool triển khai phòng ngự phản công. Koscielny dù nhanh đến mấy vẫn không thể đua tốc độ cùng Sturridge hay Suarez, vì vậy không thể cứu Mertesacker cũng như Arsenal được.

Bức ảnh sau cho thấy vấn đề của Arsenal, khi khoảng trống mênh mông lộ ra:

Liverpool phản công. Nguồn: Twitter @allas4 (https://twitter.com/allas4)

+) Thứ hai, Arsenal không thể triển khai bóng trơn tru khi gặp phải sức ép từ phía Liverpool. The Kop được tổ chức tốt, tuy nhiên trách nhiệm cũng thuộc về các cầu thủ của Arsenal khi không di chuyển tốt. Kết quả là các tiền vệ Arsenal thường nhận bóng khi quay mặt về phía khung thành Szczesny, không thể tiến lên và bị cướp bóng.

+) Thứ ba, khi đưa bóng lên phần sân của Liverpool, Arsenal cũng không thể tấn công một cách hiệu quả. Phương án khả dĩ nhất của họ là tấn công vào bên trái Gerrard, nơi có Coutinho dễ dâng cao nhất và lui về chậm nhất. Tuy vậy, những pha phối hợp của Arsenal không đi đến đâu cả, khi họ liên tục chuyền hỏng dưới áp lực của các cầu thủ áo đỏ, và các Pháo thủ di chuyển rất kém, liên tiếp chạy chỗ sai thời điểm.

Cuối cùng, xin được mượn dòng tweet sau của @euleri để nói về Jack Wilshere – người đã chơi tệ trong trận đấu này và phải chịu một phần trách nhiệm cho thất bại: https://twitter.com/euleri/status/432153042545553408

3) Kết luận

Đây là một khởi đầu không tốt một chút nào cho “Tourmalet” của Arsenal. Nhưng ít ra Arsenal đã học được những bài học về điểm yếu của mình, khi tất cả đã được phơi bày trong trận đấu này – điều quan trọng là Wenger có thể rút ra kinh nghiệm được không. Trước những đối thủ lớn sắp tới, màn trình diễn nhạt nhòa như thế này không được phép lặp lại.

Arsenal 0-1 Manchester United: Arsenal thiếu sắc bén do không lợi dụng được khoảng trống

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

Bàn thắng duy nhất của người cũ Robin van Persie khiến Arsenal không thể tiếp tục mạch trận ấn tượng của mình, còn Man United đã trở lại với cuộc đua giành chức vô địch.

Bên phía Arsenal, Flamini trở lại sau chấn thương và có một suất xuất phát tại hàng tiền vệ của Pháo thủ; còn ở hàng hậu vệ, Per Mertesacker bị bệnh và người thay thế anh là Vermaelen (Rosicky cũng vắng mặt với lí do tương tự). Còn về phía chủ nhà Man United, Smalling đảm nhận vị trí hậu vệ phải, Jones đá cặp cùng Carrick ở vị trí tiền vệ trung tâm, Kagawa được bố trí bên cánh phải, còn Rooney hợp thành bộ đôi tiền đạo với van Persie.

Đội hình xuất phát của hai đội

1) Trên chiến trường – Đấu pháp của Moyes

Đầu tiên, Man United lập tức pressing đối thủ khi tiếng còi khai cuộc vang lên. Họ được tổ chức trong một đội hình 4-4-2 hẹp nhằm hạn chế khu vực hoạt động yêu thích của Arsenal là khu giữa sân (Rooney và van Persie đứng ngang hàng nhau với nhiệm vụ lập thành lớp phòng thủ thứ nhất ngăn bóng tới chân Flamini và Arteta), áp sát nhanh và mạnh với đối thủ ở khu vực giữa sân. Arsenal không có thời gian cũng như không gian để triển khai bóng – kết quả là trong 10 phút đầu, United cầm 67% thời gian kiểm soát bóng, dù không tạo được cơ hội nào.

Thứ hai, United phản công ở cánh. Đánh cánh là bài tủ của United cũng như của Moyes – đặc biệt là khi đối thủ của họ xếp hai cầu thủ có xu hướng hoạt động ở trung tâm là Ramsey và Cazorla ở hai cánh, hiển nhiên khoảng trống ở đó lộ ra sẽ nhiều hơn.

+) Bên phía cánh phải, Valencia có cơ hội bắt tốc độ, chạy thẳng về phía trước và tạt (trong trận này, Valencia có 9 đường tạt). Mặc dù không trực tiếp tạo ra cơ hội, tuy nhiên Valencia cũng đã làm khó Gibbs, đặc biệt là khi bóng dài được các hậu vệ Quỷ Đỏ phất lên từ tuyến dưới cho Rooney và van Persie: Valencia có thể lấy bóng bật ra, sau đó đánh trực diện về phía hậu vệ trái của Arsenal.

+) Bên phía cánh trái, Evra là người chủ yếu băng lên, lợi dụng khoảng trống do Kagawa tạo ra khi bó vào. Khu vực cánh trái của United khá thú vị: Kagawa di chuyển vào trung tâm và phối hợp, đổi chỗ với Rooney. Dưới thời Moyes, Rooney được phép chơi khá cao, không còn buộc phải lùi về hàng tiền vệ như Sir chỉ đạo trước đây; thay vào đó, nhiệm vụ của anh là dạt ra cánh, giúp áp đảo quân số. Sự phối hợp giữa anh và Kagawa là khá thú vị – họ vẫn cần thêm chút thời gian để thật sự gắn kết.

2) Arsenal nắm lại thế trận

Các Pháo thủ tỏ ra lúng túng trong những phút đầu trận, khi United liên tiếp áp sát và phá lối chơi của họ, khiến cho họ không thể triển khai được một đường tấn công mạch lạc nào. Phải tới nửa cuối hiệp 1, khi tần suất áp sát của United giảm dần, Arsenal mới làm chủ được thế trận; tới hiệp 2, khi United lùi sâu hơn, Arsenal nắm hoàn toàn trận đấu.

Tuy vậy các học trò của Wenger không thể chuyển hóa được lợi thế thành bàn thắng. Kế hoạch của họ là dồn trọng tâm về phía cánh phải, nơi Ozil dạt về, Sagna băng lên và Ramsey, Cazorla sẽ hoạt động ở gần đó, tại khu vực giữa hàng tiền vệ và hậu vệ của MU – các Pháo thủ sẽ phối hợp, ban bật nhằm kéo đối thủ khỏi vị trí, tạo khoảng trống để khai thác (giống như trận gặp Dortmund)

United đã làm khá tốt việc giữ vững cự li đội hình và hạn chế không gian hoạt động của đội bóng áo vàng, tuy nhiên khoảng trống vẫn lộ ra cho Arsenal: khoảng không gian bên cánh trái (Kagawa bó vào trong và không kịp quay về vị trí, khiến Evra phải một mình xoay sở), kéo theo khoảng trống trước mặt Gibbs (do United muốn duy trì đội hình hẹp) và khoảng trống giữa Valencia với một tiền vệ trung tâm (tạo ra khi đội hình United lệch sang trái). Vấn đề ở chỗ Arsenal không có khả năng khai thác những khoảng trống này:

+) Không có cầu thủ nào của Arsenal tấn công trực diện vào vị trí của Evra cả. Sagna thường xuyên dâng cao và có nhiều khoảng trống để tạt bóng chính xác vào vòng cấm (anh có 9 cú tạt trong trận đấu này) – những cú tạt của anh khá tốt, nhưng United phòng ngự khu vòng cấm khá hiệu quả và cơ hội không được tạo ra. Hậu vệ phải người Pháp cần một đối tác ở cánh: một cầu thủ chạy cánh trực diện, đánh nhanh, mạnh, thẳng vào khu vực phía sau lưng Evra.

+) Flamini và Arteta chơi khá sâu, không ai băng lên tham gia phối hợp tấn công cả. Aaron Ramsey thường là người đảm nhiệm công việc này, tuy nhiên hôm nay anh chơi ở cánh và tỏ ra không mấy hiệu quả.

+) Gibbs không hay tham gia tấn công như Sagna bên cánh đối diện (tất nhiên, anh còn phải để mắt tới Valencia).

Khi bị dẫn trước và bế tắc trong việc tìm bàn thắng, Wenger tiến hành thay đổi:

+) Wilshere thay Flamini: Về lí thuyết Arsenal sẽ giải được bài toán “không có người băng lên xâm nhập”, tuy vậy khi có mặt Wilshere trên sân, tình hình cũng không khả quan hơn.

+) Bendtner thay Cazorla: Dễ hiểu khi Wenger muốn đưa hai cầu thủ không chiến tốt vào sân – Arsenal rất cần bàn thắng, và họ có thể dựa vào Sagna để cung cấp những đường tạt. Tuy vậy, hiệu quả thực tế trên sân lại không cao.

+) Gnabry thay Arteta: Một bước đi “được ăn cả ngã về không” vì hiện tại Arsenal không còn tính phòng ngự nào ở hàng tiền vệ nữa. Tuy nhiên, Gnabry chính là người Arsenal cần để giải bài toán “cánh phải”. Bằng chứng là ngay sau khi vào sân, Gnabry đã lập tức có một tình huống chạy chỗ vào một khoảng không gian cực kì rộng phía sau Evra. Nếu Gnabry vào sân sớm hơn, Arsenal sẽ trở nên trực diện hơn, khó đoán hơn nhiều và có thể đã có bàn thắng.

Những sự thay đổi người bên phía David Moyes (ngoại trừ việc bất đắc dĩ phải thay Vidic do chấn thương) đều nhằm củng cố thế trận phòng ngự của MU. Giggs vào sân thay Kagawa nhằm khóa lại cánh trái (thực tế cánh trái của MU vẫn yếu, tuy vậy Giggs bám vị trí tốt hơn Kagawa), và Fellaini thay van Persie nhằm tăng nhân sự cho tuyến giữa, hòng kết thúc trận đấu.

Kết luận

United đã thực hiện tốt đấu pháp của mình, cho dù vẫn còn sơ hở, và bàn thắng chỉ đến từ một tình huống phạt góc (tình huống mà van Persie đã chạy rất thông minh, còn Arsenal tỏ ra khá bị động trong việc phòng ngự khu vực). United của Moyes vẫn còn nhiều việc phải làm, tuy vậy cũng có nhiều điều thú vị đáng để trông đợi.

Còn Arsenal, họ tỏ ra có phần đuối sức sau chuỗi trận dài phải căng mình trên các đấu trường với một lực lượng mỏng. Kì nghỉ sắp tới sẽ giúp họ hồi phục lại phần nào – và khi những giải pháp chiến thuật khác như Walcott trở lại, Arsenal sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Dù sao đi nữa thì các Pháo thủ thành London vẫn phải đặc biệt lưu ý đến việc duy trì sự ổn định trên đường dài nếu muốn đạt thành công trong mùa giải năm nay.

Arsenal 1-2 Dortmund: Các hậu vệ biên quyết định trận đấu

 Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

Trận đấu trên sân Emirates là một cuộc chiến giữa hai đội bóng khá giống nhau, và thực tế là cả hai đã thi đấu cân tài cân sức với nhau, tạo nên một trận cầu kịch tính và có chất lượng cao. Đội nào thắng cũng đều xứng đáng, và kết quả là đội bóng tới từ Đức ra về với 3 điểm trong tay sau khi đã tận dụng cơ hội tốt hơn.

Wenger không có sự phục vụ của Flamini vì chấn thương, nên ông quyết định sử dụng Aaron Ramsey bên cạnh Arteta ở hàng tiền vệ trung tâm, đồng thời để Cazorla trên ghế dự bị và thay vào đó là Rosicky. Bên phía Dortmund, Piszczek vẫn phải ngồi ngoài, vì vậy Grosskreutz trám chỗ cho anh; ngoài ra, họ có trong tay đội hình mạnh nhất (ngoại trừ Jurgen Klopp bị cấm chỉ đạo.

1) Lối chơi của hai bên

Đội hình xuất phát của hai đội

Nếu như chia lối chơi của một đội bóng ra làm 2 giai đoạn: “Có bóng” và “Không có bóng” thì cả Arsenal lẫn Dortmund trong trận đấu này là tương tự nhau:

+) Khi không có bóng: Đều rút về, lập đội hình 4-4-2, với tiền đạo cắm và tiền vệ tấn công lập thành lớp “2” đầu tiên nhằm ngăn chặn bóng được chuyền từ hậu vệ đối phương tới tiền vệ trung tâm. Hai bên cố gắng giữ cự li đội hình tốt, hạn chế khoảng trống; bề rộng đội hình được duy trì hẹp. Dortmund chủ động dâng lên áp sát rất rát ở nửa phần sân nhà, trong khi Arsenal lùi về sâu hơn và không mấy mặn mà tới việc tranh chấp ở vòng tròn giữa sân (Bàn thắng mở tỉ số là một ví dụ tốt cho thấy điều Dortmund làm tốt nhất: Nhanh chóng áp sát đối phương, cướp bóng và lập tức phản công).

+) Khi có bóng: Đáng chú ý nhất là cách hai đội triển khai sau khi giành được bóng và phản công: các cầu thủ tiền vệ tấn công lập tức di chuyển vào trong và băng về phía khung thành, hậu vệ biên dâng cao theo để hỗ trợ.

Trận đấu trở nên có phần ngột ngạt do hai bên tìm cách “khóa” lẫn nhau và cố triển khai cách đá của mình tốt hơn đối thủ. Trong thế trận như vậy, chìa khóa để mở toang trận đấu đến từ hai biên.

2) Cuộc chiến ở hai biên

Thực vậy, sở dĩ hai biên có thể được lợi dụng nhằm mở khóa đối thủ là do Arsenal và Dortmund đều chơi với đội hình hẹp như đã đề cập ở trên – điều tất yếu là khoảng trống ở hai bên cánh sẽ mở ra cho hai hậu vệ biên khai thách. Arsenal và Dortmund đều nhận ra điều này, và đều đưa hậu vệ biên của mình lên – đáng chú ý nhất, là Sagna bên phía chủ nhà và Grosskreutz bên phía đội khách.

Sagna và Grosskreutz cũng có nhiều điểm chung: cùng chơi ở cánh phải, cùng băng lên tấn công nhiều lần (nhiều hơn so với đồng đội bên cánh đối diện, do Rosicky và Reus lui về chậm hơn, tạo khoảng trống cho hai hậu vệ phải băng vào) và những đường tạt của hai người đều…tồi như nhau – tuy nhiên, giữa tất cả những pha chạm bóng phí phạm đó, mỗi người lại có một đường bóng quyết định dẫn tới bàn thắng. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho cách tiếp cận của cả chủ lẫn khách để giải quyết thế bế tắc – bằng cách cho các tiền vệ tấn công bó vào trong, hậu vệ biên lại có thêm điều kiện để hoạt động.

Hướng tấn công của Arsenal - từ whoscored.com

Hướng tấn công của Arsenal – từ whoscored.com

Hướng tấn công của Borussia Dortmund - nguồn whoscored.com

Hướng tấn công của Borussia Dortmund – nguồn whoscored.com

Arsenal là đội đi xa nhất với phương án này. Cả Ozil, Rosicky và Wilshere đều không phải là cầu thủ bám cánh, nhưng họ vẫn có thể tấn công mà không sợ bị tắc nghẽn ở trung tâm (như trước đây họ đã từng gặp phải khi xếp Fabregas, Nasri và Arshavin) bởi vì sự di chuyển của Mesut Ozil – anh luôn di chuyển ra cánh, tìm và lợi dụng khoảng trống, khiến mạch triển khai bóng của Arsenal được thông suốt mà vẫn đa dạng, khó lường. Trong trận đấu này Ozil không nổi bật vì Dortmund đã khóa các khoảng trống tốt, khiến lối chơi của anh bị ảnh hưởng – tuy nhiên, anh vẫn đóng vai trò tác nhân tấn công cho Arsenal khi họ tập trung đánh cánh phải, đặc biệt là ở hiệp 2. Trong hiệp 2, Arsenal là đội chiếm quyền chủ động, họ đã bắt đầu phá được cấu trúc đội hình Dortmund, đặc biệt là khi đánh cánh phải – mục đích là lợi dụng áp đảo quân số để tạo cơ hội. Khi Cazorla được vào sân thay Wilshere, Arsenal có thêm sức tấn công – Cazorla đã nổi danh với vai trò “interior” từ những ngày ở Villareal.

Cách Arsenal đánh cánh phải. Ở đây, Rosicky có thể kéo tiền vệ trung tâm Dortmund khỏi vị trí, tạo điều kiện cho anh thoát xuống. Ozil ở cánh phải là tác nhân, phối hợp với Sagna đang băng lên từ phía sau. Bên trái, Cazorla di chuyển vào trong, thoát khỏi sự chú ý của cầu thủ Dortmund. Gibbs sẽ có khoảng trống để khai thác.

Dortmund bị ghìm chặt lại ở phần sân nhà và phải rất cố gắng mới có thể phòng ngự một cách hiệu quả. Tuy vậy, chính họ mới là người có bàn thắng ấn định tỉ số bằng chính vũ khí cánh phải của mình là Grosskreutz. Khi đưa Cazorla vào sân, Arsenal bên cạnh việc có được một cầu thủ tấn công nguy hiểm, họ còn mở thêm khoảng không gian cho Gibbs – nhưng đây cũng là một khâu yếu. Dortmund đã cướp bóng rất nhanh, lập tức chồng biên vượt qua Gibbs (2 chống 1 – Cazorla đang đứng ở giữa sân), Grosskreutz thoát xuống và tạt chuẩn xác cho Lewandowski đang trong tư thế không bị kèm dứt điểm thành bàn (lúc này, Sagna đã lên cao để chuẩn bị triển khai tấn công với các đồng đội, vì vậy không kịp chạy về để kèm Lewandowski). Cuối cùng, Dortmund đã trừng phạt Arsenal.

Kết luận

Dortmund chơi lối chơi thường ngày của họ, gắn chặt với những nguyên tắc trong lối chơi đã trở thành bản sắc và đã giành chiến thắng. Họ cho thấy thể lực sung mãn, tinh thần tốt và tư duy chiến thuật cao. Còn Arsenal, họ không có gì phải xấu hổ cả, khi họ đã thi đấu hay trước đối thủ, chơi với kỉ luật tốt và ăn miếng trả miếng với đội bóng vùng Ruhr.  Đây là một trận đấu cân bằng, đẹp và cơ hội chiến thắng được chia đều cho hai bên.

Sau trận này, cộng với trận thắng của Napoli trước Marseille, ba đội bóng từ Anh, Đức và Ý đều có 6 điểm – cục diện “bảng Tử thần” càng trở nên hấp dẫn và khó lường hơn nữa.

Arsenal 1-0 Tottenham: Phản công và chọc khe – công thức chiến thắng của các Pháo thủ

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

Trận derby Bắc London diễn ra với tất cả những gì người hâm mộ mong đợi: tốc độ cao, giàu cảm xúc, căng thẳng tới nghẹt thở những phút cuối – có thể một cơn mưa gôn không tới, nhưng bàn thắng duy nhất cũng khá đẹp và hai bên đều đã bỏ lỡ một số cơ hội. Cuối cùng, Arsenal là đội chiến thắng với một kế hoạch rõ ràng hơn.

Continue reading