Bayern Munich 0 – 4 Real Madrid: Khi Bayern không còn là chính mình

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

Bayern Munich không những không thể ghi bàn, mà lại còn thua thêm. Họ cũng không chỉ thua thêm, mà lại còn thua đau: 4-0, trước một Real Madrid đang thăng hoa.

Pep Guardiola sử dụng Thomas Muller và Mario Mandzukic cùng một lúc trong đội hình xuất phát, đẩy Philipp Lahm về vị trí hậu vệ cánh phải. Bên phía Real, Carlo Ancelotti có được sự phục vụ của Gareth Bale sau khi vắng mặt ở trận lượt đi, anh này thế chỗ Isco trong đội hình xuất phát.

Đội hình xuất phát của hai đội

Đội hình xuất phát của hai đội

1. Bayern tổ chức tấn công

Pep Guardiola đã bị chỉ trích nhiều sau trận lượt đi vì lối chơi “chuyền nhiều”. Đã có rất nhiều ý kiến của fan hâm mộ yêu cầu thay đổi: nhẹ nhàng là đá nhanh “giống Jupp” như những comment tôi lượm lặt được ở trên facebook và trích nguyên văn như sau:

Bayem đang mất dần bản sắc của 1 đội bóng lì lợm với lối đá khoa học giữa tấn công và phòng thủ . Bayem cũng đang mất dần lối chơi đá biên . chồng cánh phối hợp giữa hậu vệ biên và tiền vệ cánh và tạt cánh đánh đầu hay những cú sút sa của uy lực của Schweinsteiger và Kroos khi đội bóng gặp bế tắc . Pep Guardiola đến và thay đổi ông để hậu vệ Lahm cần mẫn như con lên công về thủ đá vị trí tiền vệ trụ . mặc dù Lahm đá rất hay ở vị này nhưng thiếu đi sự chắc chắn cần thiết và Pep Guardiola cũng mang lối chơi đầy chất la tinh và quyến rũ của tiki-taka mang nét hào hoa và du ngủ đối phương và áp dụng vào bayem với 1 lối chơi khoa học và chính xác

ói chung góp vài ý nói ra cái sự thật trc h là Pep làm bayern k còn nguy hiểm như thời trc! ông đó có mỗi chiêu kiểm soát bóng but tiền đạo bayern k ai bén như messi nên sẽ k có sự thành công như ở barca vs lại cái chiến thuật kiểm soát bóng bây h hết thời rồi! còn bayern thắng ở giải quốc nội là vì đội hình mạnh sẵn từ mùa giải trc…tóm lại trc h k tin vào năng lực of Pep, lúc nghe tin Jup nghỉ và pep thay thất vọng toàn tập

chuyền ít thôi anh Pep ah, lúc tấn công thì phải nhanh mạnh như bác Jupp ấy, còn lúc giữ bóng câu giờ thì chuyền nhiều như anh

Và hôm nay thì cách chơi của Bayern đã chuyển sang giống với những gì “được” yêu cầu. Họ sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 rất “Jupp” với hai hậu vệ biên dâng cao theo đường biên dọc là Alaba và Lahm, Ribery và Robben được bó vào trong; Muller phía sau Mandzukic. Rất giống với một đội bóng của Jupp Heynckes, ngoại trừ việc không phải Martinez, mà là Kroos đá cặp với Schweinsteiger ở vị trí tiền vệ trung tâm.

Bayern không tấn công xuyên qua trung tâm do như trận lượt đi, Real Madrid xếp đội hình phòng ngự khá hẹp. Họ dựa vào sự phối hợp, chồng biên của cầu thủ chạy cánh và hậu vệ biên, trong khi Schweinsteiger và Kroos đứng thấp để làm nhiệm vụ luân chuyển bóng thì Muller chơi khá cao, gần với Mandzukic. Yếu tố quan trọng nhất của Bayern lần này là họ cố gắng đưa bóng thật nhanh ra cánh, trông chờ vào sự phối hợp giữa hai người với nhau để tạo cơ hội.

Không rõ nguyên nhân vì sao Pep Guardiola lại quyết định làm như vậy. Nhưng rõ ràng, cách tấn công của Bayern không hề hiệu quả, và đó là nguyên nhân gián tiếp cho ba bàn thua trong hiệp một.

Cách triển khai tấn công này tỏ ra quá đơn điệu khi Real hoàn toàn có thể khắc chế bằng cách bắt người 2 vs 2, thậm chí 3 vs 2, đơn giản ở ngoài đường biên. Khoảng trống ở giữa có thể được tạo ra nếu hậu vệ biên và tiền vệ biên Real bị kéo ra, nhưng hai tiền vệ trung tâm của Bayern lại không băng lên khai thác, trong khi Muller thì chủ yếu chơi vai trò “tiền đạo lùi” và ít khi lui xuống sâu hơn để nhận bóng. Thêm nữa, Bayern còn dễ bị bắt bài do triển khai đơn điệu mà lại nhanh. Họ không dừng lại để giảm nhịp độ một cách chủ động, không bình tĩnh phối hợp để kéo đối phương ra khỏi vị trí, để lộ khoảng trống ra như cách họ thường làm; không có một cách thức phối hợp nào để tiến lên, xuyên phá qua hai tầng phòng ngự cả.

Funny how Bayern are playing more closely to what Guardiola’s critics called for last week. And their urgency begets imprecision.

Twitter @Santapelota

Hậu quả là bóng rơi vào chân cho Real phản công. Họ lợi dụng việc hậu vệ biên Bayern dâng cao để xẻ nách cho những cầu thủ tấn công tốc độ phía trên, tạo ra những tình huống phản công với độ chính xác rất cao. Bàn thắng thứ ba của Real là một ví dụ không thể tiêu biểu hơn.

Lợi thế khi cầm bóng nhiều nằm ở chỗ: đội cầm bóng có thể đẩy đối phương lùi lại, ghim đối phương tại phần sân nhà của họ, đồng thời có nhiều thời gian hơn để thực hiện những bài bản nhằm phá vỡ khối phòng ngự (có nhiều lần thử lại hơn, nếu họ làm sai), đảm bảo được sự chính xác. Đó là điều Bayern đã làm được trong đầu trận lượt đi. Bây giờ, họ sử dụng tốc độ, nhưng kế hoạch không hiệu quả, cuối cùng lại hại thân.

2. Cách pressing và phòng ngự phản công của Real

Bên cạnh một Bayern kém cỏi, ta cũng phải dành lời khen ngợi cho một màn trình diễn ấn tượng và hiệu quả của Real Madrid. Đánh bại Bayern không phải là chuyện dễ dàng, nhưng Real đã làm được, ở cả hai lượt trận, và nã bốn bàn không gỡ vào lưới đối phương khi phải đi làm khách.

Một “phát hiện” mới của Ancelotti là cách ông sử dụng sơ đồ 4-4-2 trong thời gian gần đây, thay vì 4-3-3 hay 4-1-4-1 mà ta thường thấy trong phần lớn của mùa giải này. Về lí thuyết, đây là sơ đồ lí tưởng cho Real thực thi đấu pháp dựa vào phản công tốc độ khi nó cho phép đội bóng bao bọc được lượng không gian lớn nhất (theo Arsene Wenger), đồng thời nó cũng cho phép Real giải bài toán Cristiano Ronaldo – một cầu thủ gần như hoàn hảo, ngoại trừ khoản lui về hỗ trợ phòng ngự – khi anh được trao cho vai trò khá tự do ở phía trên.

Cách áp dụng pressing của Real cũng được biến đổi linh hoạt theo từng giai đoạn. Họ có thể đẩy cao khi Bayern phát bóng lên ngắn từ cầu môn, với Ronaldo và Benzema áp sát hai trung vệ của Bayern, Modric hoặc Alonso dâng cao để kèm Schweinsteiger khi anh này lùi xuống đóng vai trò “trung vệ thứ ba”, buộc Bayern phải chuyển ra cánh, hoặc đá bóng dài lên. Rất nhanh sau đó, Real chuyển sang giai đoạn “phòng ngự giữa sân” với đội hình 4-4-2 hẹp, chủ yếu phòng ngự không gian, không cho Bayern chơi xuyên qua các tuyến, buộc đội bóng xứ Bavaria phải xuống biên, nơi mà Kền kền trắng có thể bắt người (cách bắt người của họ không quyết liệt như Atletico Madrid, nhưng nhìn chung Real làm việc này hiệu quả, một phần do công việc của họ khá đơn giản như đã nói ở trên).

Và tiếp theo là phần phản công. Khi bóng ở trong chân một Luka Modric nhanh nhẹn, sáng tạo hay Xabi Alonso trứ danh, Real có thể tung ra những đường chuyền sắc để khơi mào cho những pha phản công nhanh. Lỗi một phần thuộc về Kroos và Schweinsteiger khi họ không kịp đáp ứng với tình hình, không gây áp lực ngay lập tức lên những “ngòi nổ” này – nhưng xét toàn diện, gegenpressing của Bayern có vẻ đang gặp vấn đề khi họ đã để lộ những khoảng trống, những góc chuyền cho đối thủ. Bí quyết để thực hiện gegenpressing (tức là áp sát ngay lập tức khi mất bóng) là các cầu thủ phải được bố trí gần nhauđúng ngay từ khi họ vẫn đang kiểm soát bóng, để khi vừa mất bóng là có thể áp sát lấy lại được luôn mà đối phương không kịp trở tay cũng như không biết cách thoát ra thế nào. Nhưng ở đây, khoảng trống đã lộ ra ở giữa sân và hai cánh. Benzema và Ronaldo liên tục chạy chỗ vào không gian hai bên Dante và Boateng để đón những đường bóng trực tiếp do tuyến dưới cung cấp, và Bale di chuyển trực diện từ cánh phải. Họ lợi dụng khoảng trống ở hai bên cũng như ở phía sau cặp trung vệ của Bayern, khiến Manuel Neuer phải nhiều lần băng ra cứu nguy. Dù cho BLV trên truyền hình có ý kiến thế nào đi nữa, nếu không có Neuer sẵn sàng lao ra cắt bóng thường xuyên một cách chính xác, không biết Bayern đã thủng lưới mấy bàn.

Nguyên lí chiến thắng của Real nhìn chung rất đơn giản: Lợi dụng sai lầm của đối thủ để giành chiến thắng bằng thế mạnh của mình. Theo nguyên lí này, họ đã ghi hai bàn thắng đầu tiên sau hai tình huống cố định và ghi bàn thắng thứ ba từ một pha phản công tuyệt vời. Đơn giản, mà hiệu quả.

3. Bayern cố gắng thay đổi

Phải đến khi thủng lưới bàn thứ ba, Bayern mới thay đổi. Schweinsteiger bắt đầu băng lên trực diện từ tuyến dưới, cung cấp cho Bayern cú đấm trực diện mà họ đang thiếu; Ribery và Robben chịu khó di chuyển vào giữa hàng tiền vệ và hậu vệ của Real. Bayern kiểm soát được thế trận và tấn công hiệu quả hơn, tạo được các tam giác phối hợp và vượt qua được lớp phòng thủ thứ nhất của Real … nhưng đến lớp thứ hai thì Bayern vẫn không thể xuyên qua, khi Real phòng ngự trong khu vực vòng cấm một cách xuất sắc, không để cho Muller có cơ hội quay người lại đối mặt với khung thành cũng như thu hồi bóng rất hiệu quả.

Sau giờ nghỉ, Pep thực hiện sự thay đổi người: ông rút một Mandzukic mờ nhạt, thiếu hiệu quả ra để đưa Javi Martinez vào, nhằm hỗ trợ cho việc áp sát đối phương cũng như giữ được một người có khả năng không chiến tốt. Muller đảm nhiệm vị trí tiền đạo, anh sẽ di chuyển hỗ trợ triển khai tấn công tốt hơn Mandzukic. Lúc này, Bayern quay trở lại với phương án “chuyển nhiều”: đẩy hai hậu vệ biên lên cao, cho phép di chuyển linh hoạt hơn trước; tại cánh, tiền vệ cánh di chuyển vào khu vực “half-space”, hậu vệ biên bám biên, tiền vệ trung tâm được phép chơi cao hơn (Martinez xâm nhập khoảng trống giữa hai tuyến của Real, trong khi Kroos chơi thấp hơn, nhưng đã cao hơn nhiều so với vị trí của anh trong hiệp một), tiền vệ cánh đối diện di chuyển sang cùng bên đó để hỗ trợ.

Ít nhất thì Bayern cũng đã ghim đối phương lại, hạn chế mối đe dọa phản công của đội khách tốt hơn nhiều so với hiệp một, đồng thời khả năng chuyển cánh tốt của Hùm xám giúp cho họ vừa kiểm soát bóng, vừa khiến Real phải luôn thay đổi vị trí. Tuy nhiên, Real tiếp tục trung thành với phương án phòng ngự của mình, có chăng chỉ là lùi sâu hơn mà thôi. Các học trò của Ancelotti khiến cho Bayern tiếp tục thiếu hiệu quả, cho dù Real đã bị động hơn.

Đưa Gotze và Pizarro vào sân là một bước đi đúng của Guardiola, khi ông cần thêm hỏa lực từ Pizarro và Gotze đã cho thấy sự di chuyển không bóng rất tốt của mình – anh “”lướt” qua khoảng trống giữa hai tuyến của Real, liên tục tạo góc chuyển cho đồng đội, tham gia kéo đối thủ ra khỏi vị trí. Nhưng bước đi này là quá muộn. Chưa cần tới bàn ấn định tỉ số của Ronaldo, Real đã khóa sổ trận đấu rồi.

4. Kết luận

Quyết định về chiến thuật của Guardiola là không chính xác ngay từ đầu. Bayern không kiểm soát được trận đấu, không tạo được cơ hội, để khoảng trống cho Real phản công – một công thức quá hoàn hảo cho trận đại bại. Tuy vậy, có công bằng không khi phán xét, chửi bới Pep Guardiola, khi ông là người đưa Bayern lên thống trị Bundesliga (một giải đấu không yếu ớt như người ta tưởng), hơn nữa ông đang phải chịu một nỗi mất mát to lớn trong thời gian gần đây? Sau trận đấu này, bản thân Pep cũng đã nhận thức được sai lầm của đội bóng:

Pep: “We played very badly with the ball, it’s my fault. When you play badly, you defend badly as well” (SkyD)

Twitter Raphael Honigstein

Bayern đang gặp vấn đề về thể lực, phong độ cũng như động lực. Nhưng thất bại này sẽ nhắc họ nhớ rằng: Họ còn rất nhiều điều phải làm nếu muốn tiệm cận mức hoàn hảo.

Còn với Real, giấc mơ Decima đầy ám ảnh đang trở nên thật hơn bao giờ hết, và dù đối thủ tại Lisbon có là ai, Real Madrid hoàn toàn có thể tự tin bước vào trận đấu.

Bayer Leverkusen 2-2 Borussia Dortmund: Hấp dẫn, cởi mở, nhiều bàn thắng

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

Không có nhiều trận đấu được như trận cầu trên sân Bay Arena vừa rồi: Cởi mở, tốc độ, hai bên ăn miếng trả miếng, có Jurgen Klopp, trận đấu có nhiều bàn thắng; thêm một chút gia vị của chiến thuật nữa, và ta đã có một món ăn tinh thần vô cùng bổ ích cho cuối tuần cùng bóng đá.

Bên phía đội chủ nhà, huấn luyện viên Sascha Lewandowski sử dụng sơ đồ 4-1-4-1 với ba tiền vệ trung tâm Lars Bender – Gonzalo Castro – Emre Can, đồng thời sử dụng cầu thủ 18 tuổi Julian Brandt ở vai trò chạy cánh phải. Về phía Dortmund, Oliver Kirch đá cặp cùng Nuri Sahin ở hàng tiền vệ trung tâm trong hoàn cảnh Sven Bender và Sebastian Kehl đều đang gặp chấn thương. Milos Jojic có tên trong đội hình xuất phát; Kevin Grosskreutz trám vào vị trí hậu vệ trái khi cả Marcel Schmelzer và Erik Durm đều không thể thi đấu.

Đội hình xuất phát của hai đội

Đội hình xuất phát của hai đội

1. Dortmund áp sát

Đội quân của Jurgen Klopp áp sát đối thủ ngay từ khi phát bóng lên. Nếu Bernd Leno phát bóng ngắn, Dortmund sẽ ngay lập tức áp sát với dạng đội hình 4-1-3-2: Lewandowski và Reus áp sát hai trung vệ đối phương; Mkhitaryan và Jojic di chuyển vào trong để thu hẹp khoảng cách với đồng đội, trong khi vẫn chú ý để mình vẫn chặn được góc chuyền tới hai hậu vệ biên Boenisch và Hilbert. Một tiền vệ trung tâm (Sahin) sẽ dâng cao lên, khóa Bender (tiền vệ trung tâm đứng thấp nhất), còn Kirch sẽ trụ ở phía dưới.

Các khoanh đen cho thấy cách "khóa" của Dortmund

Các khoanh đen cho thấy cách “khóa” của Dortmund

 Dortmund buộc Leverkusen phải phá bóng lên phía trên – nhưng thực tế kế hoạch của Leverkusen cũng là chơi bóng thẳng, dài, trực diện lên phía trên cho bộ ba tấn công của họ. Vì vậy, chúng ta thường thấy Dortmund thiết lập đội hình 4-4-2 ở tầm trung, bố trí khá hẹp, áp sát nhanh và tập trung chủ yếu vào khống chế không gian xung quanh bóng. Dortmund tổ chức phòng ngự rất tốt, khiến Leverkusen gặp khó khăn trong triển khai tấn công, nhất là ở cánh.

2. “Bộ tứ huyền ảo” của Dortmund

Dortmund triển khai tấn công theo một phong cách độc đáo đã được sử dụng trong trận đấu với Mainz, với Henrikh Mkhitaryan được bố trí lệch trái thay vì vị trí số 10 quen thuộc (vị trí đó do Marco Reus đảm nhiệm), Milos Jojic lệch trái; cả Mkhitaryan lẫn Jojic đều bó vào phía trong, hoạt động ở khu vực “half-space” (vùng giữa “cánh” và “trung lộ”). Cách bố trí này giúp Dortmund tấn công không gian xung quanh Bender (người chơi thấp nhất); Mkhitaryan và Jojic đều có mặt tại đúng vị trí để phối hợp với Reus, bật tường, khai thác khoảng trống giữa hai tuyến của Leverkusen. Đồng thời, Sahin sẽ băng lên phía trước, thu hút một tiền vệ trung tâm của đối phương, tạo điều kiện cho những pha phối hợp tốc độ cao đánh vào khu vực này. Phía hai biên, Piszczek và Grosskreutz dâng lên, lợi dụng khoảng trống tạo ra do khối phòng ngự Leverkusen bố trí hẹp.

Cách bố trí tấn công của Dortmund

Cách bố trí tấn công của Dortmund ở bên phải. Khi mới bắt đầu tấn công, họ sẽ đẩy hai hậu vệ biên lên, Sahin chưa băng lên vội; Dortmund sẽ tìm cách chuyền bóng sang cho hậu vệ biên nhằm kéo giãn Leverkusen, lộ khoảng trống để chuyền thẳng lên tuyến trên

Dortmund tấn công với những đường phối hợp một chạm sắc nét và nhanh ở khu vực “half-space” này, tuy nhiên họ thiếu đi những đường chuyền cuối cùng, mang tính chất xuyên phá hoàn toàn hàng phòng ngự đối phương và thường bị buộc phải đưa bóng ra biên để đi đường vòng. Lí do là bởi vì khối phòng ngự Leverkusen đã giữ cự li rất tốt: Castro và Can theo dõi di chuyển của Sahin và Kirch; khoảng trống trong đội hình phòng ngự được lấp nhanh chóng, và Leverkusen cũng sẵn sàng đón nhận những đường tạt.

3. Leverkusen đánh trực diện

Tuy lùi sâu, đội chủ nhà vẫn rất nguy hiểm trong những tình huống phản công. Lối chơi nhanh của Dortmund lại là điều kiện cho Leverkusen có thêm điều kiện để mở những pha phản công nguy hiểm. Cách bố trí tấn công của đội khách không chỉ kết nối các cầu thủ tấn công lại gần nhau, mà còn tạo điều kiện cho họ áp sát ngay lập tức quanh bóng với số đông (“gegenpressing”); tuy nhiên, đây cũng là điều kiện cho Leverkusen đưa bóng trực tiếp ra cánh cho Heung-min Son và Julian Brandt phản công bằng tốc độ, đánh vào không gian giữa trung vệ và hậu vệ. Nhất là trong hiệp hai, khi Dortmund dùng bóng dài nhiều hơn, đó cũng là lúc Leverkusen có nhiều cơ hội phản công hơn, khiến Dortmund gặp khó khăn.

Hiệu quả của lối chơi trực diện này như thế nào ư? Hãy xem bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1, khi Leverkusen rất nhanh chóng phát bóng lên, bóng tới đầu Castro, Leverkusen tạo tình huống 3 đánh 3, và cuối cùng ghi bàn – tất cả diễn ra trong khoảng 10 giây.

 4. Kết luận

Tuy trong số bốn bàn thắng, có tới ba bàn tới từ những tình huống cố định (một từ phạt góc, một từ đá phạt, một từ phạt đền), nhưng trận đấu này vẫn rất thú vị ở mặt chiến thuật, bên cạnh yếu tố số bàn thắng. Cả hai đội triển khai kế hoạch riêng một cách khá hiệu quả, tạo nên một trận cầu nhanh, lôi cuốn, cho dù điều này có giảm đi đôi chút trong hiệp hai. Sức hấp dẫn của Bundesliga nằm ở những trận chiến chiến thuật không hề tẻ nhạt, khô cứng mà rất hấp dẫn, và đây chính là một ví dụ.

Atletico Madrid 0 – 0 Chelsea: Không một mối đe dọa từ cả hai phía

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

Trận bán kết lượt đi Champions League 2013-2014 giữa Atletico Madrid và Chelsea đã được làm nóng với sự so sánh giữa Diego Simeone và Jose Mourinho hay liệu Thibaut Courtois có được ra sân hay không…Nhưng bản thân trận đấu đã diễn ra khá tẻ nhạt, hai bên đều hết sức thận trọng (đặc biệt là Chelsea) và rời sân với tỉ số hòa 0-0.

 Bên phía Atletico Madrid, chân kiến tạo Diego xuất phát, Raul Garcia được bố trí bên cánh phải. Koke thi đấu bên cánh trái, trong khi Arda Turan ngồi dự bị. Về Chelsea, Jose Mourinho đưa ra sân bốn tiền vệ trung tâm: Frank Lampard, Jon Obi Mikel, David Luiz và Ramires. Fernando Torres được giao cho vị trí trung phong, trong khi Ashley Cole đảm nhiệm vai trò hậu vệ trái khi Branislav Ivanovic vắng mặt.

Đội hình xuất phát của hai đội

Đội hình xuất phát của hai đội

1) Atletico tấn công nhanh

Đội chủ nhà là những người chủ động cầm bóng, khi đối thủ của họ tập trung vào việc phòng ngự ở phần sân của mình. Họ tìm cách phối hợp nhanh ở hai bên cánh với các nhóm phối hợp tấn công; vai trò ngòi nổ thuộc về Diego, người di chuyển linh hoạt sang hai bên sườn của Mikel.

Cách bố trí đội hình của Atletico: Hai tiền vệ trung tâm thấp và ngang nhau; hậu vệ biên (gạch đỏ) dâng cao. Koke (tím) di chuyển vào phía trong (khu vực "half-space" giữa trung lộ và cánh). Raul Garcia ở cánh đối diện thi đấu như một tiền đạo cánh phải. Diego lùi xuống để phối hợp.

Cách bố trí đội hình của Atletico: Hai tiền vệ trung tâm thấp và ngang nhau; hậu vệ biên (gạch đỏ) dâng cao. Koke (tím) di chuyển vào phía trong (khu vực “half-space” giữa trung lộ và cánh). Raul Garcia ở cánh đối diện thi đấu như một tiền đạo cánh phải. Diego lùi xuống để phối hợp.

Bên phía cánh trái, Atletico dựa vào sự phối hợp của bộ ba Felipe Luis – Diego – Koke để kéo Chelsea giãn ra và tạo khoảng trống:

Koke (gạch đỏ) có bóng, Diego (gạch vàng) lùi xuống phối hợp

Koke (gạch đỏ) có bóng, Diego (gạch vàng) lùi xuống phối hợp

Felipe Luis (xám) kéo Ramires khỏi vị trí, tạo ra một khoảng trống để Koke (đỏ) đột phá vào, trong khi Diego (vàng) lui xuống để nhận bóng từ đồng đội khi anh không thể chuyền lên được

 Về nửa cuối hiệp một, Atletico chuyển trọng tâm tấn công sang cánh phải, với Diego di chuyển sang, Juanfran lên cao, Gabi đóng vai trò một “trạm luân chuyển”, còn Raul Garcia thì chủ yếu hoạt động ở vòng cấm như một tiền đạo.

Juanfran (gạch đỏ) và Diego (gạch tím). Gabi (gạch cam) giữ vị trí.

Juanfran (gạch đỏ) và Diego (gạch tím). Gabi (gạch cam) giữ vị trí.

Đội chủ nhà chủ yếu tấn công ở sát biên, đưa bóng vào trong bằng những đường tạt. Theo whoscored.com, trong cả trận, họ đã thực hiện tổng cộng 44 quả tạt, trong đó nhiều nhất là Juanfran với 12 quả tạt.

Atletico Madrid thường được biết tới với sự xuất sắc của mình khi không có bóng cũng như trong những pha phản công. Lần này, trước một đối thủ “lái xe bus” thuộc hàng thượng thặng, đại diện Tây Ban Nha triển khai tấn công nhanh, rộng, có mục đích và tạo ra được cơ hội; tuy nhiên Chelsea phòng ngự số đông ở khu vực vòng cấm, chặn lại những đường bóng đưa vào đây của Atletico, đồng thời các cầu thủ Atletico cũng không tận dụng được cơ hội khi những pha dứt điểm của họ không chính xác, hoặc là quá dễ dàng – nhất là với Diego Costa. Đội bóng Tây Ban Nha cũng không có những phương án tấn công đa dạng để kéo các cầu thủ Chelsea khỏi vị trí – dù sao, họ quen không có bóng hơn là cầm bóng trong chân.

2. Chelsea phòng ngự

Có thể tóm tắt đấu pháp của Chelsea trong trận đấu này là “xe bus”. Họ ra sân với ba tiền vệ trung tâm có xu hướng phòng ngự, cộng với “máy chạy” Ramires bên phải, để một cầu thủ tốc độ là Willian bên cánh trái và Torres đá cắm. Ngay từ đầu họ đã không giấu ý định phòng ngự sâu, đội hình hẹp. Có thể coi chiến thuật trong trận đấu này của Chelsea là tiêu cực vì: Thứ nhất, Chelsea của Mourinho trong năm nay tuy dựa vào phản công, nhưng thường áp sát cao và phản công từ những tình huống cướp bóng (một điều mà trong trận đấu này ít ra họ có thể làm được), và thứ hai là Chelsea gần như không có một mối đe dọa nào với Atletico. Torres chịu khó di chuyển sang hai bên Godin và Miranda, nhưng anh cô độc khi không có đồng đội hỗ trợ kịp thời. Kể cả Willian cũng im hơi lặng tiếng.

Hình ảnh dưới đây (nguồn: twitter @allas4) cho thấy cách bố trí phòng ngự của Chelsea:

Đội hình phòng ngự của Chelsea: Hàng tiền vệ với Mikel thấp nhất, Lampard và David Luiz hơi cao hơn một chút (gần như ngang hàng nhau). Ramires và Willian (vòng tròn trắng) có nhiệm vụ theo sát Felipe Luis và Juanfran - họ chơi như những hậu vệ biên vậy. Bộ tứ vệ Chelsea đứng sát nhau.

Đội hình phòng ngự của Chelsea: Hàng tiền vệ với Mikel thấp nhất, Lampard và David Luiz hơi cao hơn một chút (gần như ngang hàng nhau). Ramires và Willian (vòng tròn trắng) có nhiệm vụ theo sát Felipe Luis và Juanfran – họ chơi như những hậu vệ biên vậy. Bộ tứ vệ Chelsea đứng sát nhau.

Thực tế, rất khó cho Chelsea để có thể phá vỡ hàng phòng ngự của Atletico Madrid, khi đội bóng này vốn dĩ được tổ chức rất tốt.

Đội hình 4-4-2 hẹp của Atletico. Ở đây, họ giành chiến thắng khi tranh chấp đường bóng phát dài từ Schwarzer.

Đội hình 4-4-2 hẹp của Atletico. Ở đây, họ giành chiến thắng khi tranh chấp đường bóng phát dài từ Schwarzer.

Khi đối thủ cầm bóng ở đường biên, Atletico sẽ áp sát rất mãnh liệt. Đây là một tình huống Chelsea ném biên, và hãy xem cách bố trí của đội chủ nhà.

Khi đối thủ cầm bóng ở đường biên, Atletico sẽ áp sát rất mãnh liệt. Đây là một tình huống Chelsea ném biên, và hãy xem cách bố trí của đội chủ nhà.

Bằng việc chơi “thứ bóng đá từ thế kỉ 19” này, Chelsea đã rất thành công trong việc ngăn cản đối phương ghi bàn (mặc dù bản thân họ cũng không có cơ hội để ghi bàn). Atletico không quen thi đấu với những đội như thế này – họ dựa vào tốc độ, trực diện để đánh vào khoảng trống phía sau lưng đối phương hơn là phải chơi phía trước một chiếc xe hai tầng. Diego Costa có thể hình, tốc độ, nhưng khi phải đối mặt với những hàng phòng ngự lùi sâu như đội tuyển Italia và Chelsea, anh không để lại nhiều dấu ấn, có chăng chỉ là những pha dứt điểm không đủ gây khó dễ mà thôi. Bản thân Chelsea cũng đang gặp khó khăn khi đối đầu với những đội “lái xe bus” như West Ham, và Diego Costa có lẽ không phải là sự lựa chọn lí tưởng nhất để bổ sung cho hàng công của The Blues.

3. Kết luận

 Không có gì nhiều xảy ra trong trận đấu này, khi cả hai đều chơi rất thận trọng (mặc dù Simeone cũng đã cố gắng thay đổi ở cuối hiệp 2, nhưng những sự thay đổi đó là không đủ để đem tới sự khác biệt trong cách tấn công của Atletico). Trận lượt về sẽ rất khó lường, khi Chelsea có thể cởi mở và chủ động hơn, với lợi thế sân nhà, nhưng đó cũng sẽ là cơ hội cho Atletico tung đòn chí mạng. Hoặc có thể, Chelsea sẽ lại tiếp tục lái xe bus…

Bayern Munich 3 – 1 Manchester United: Lí thuyết và thực tế

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

 Bayern Munich tiếp tục điều khiển trận đấu, thậm chí với mức độ còn có phần cao hơn, trước Man United. Tuy vậy, họ để cho đội khách ghi bàn trước với cú sút tuyệt đẹp của Evra, và phải nhờ bàn thắng đó Bayern mới ghi liên tiếp ba bàn, chính thức loại Man United khỏi cuộc chơi.

Pep Guardiola thiếu vắng những trụ cột như Bastian Schweinsteiger, Thiago Alcantara, Javi Martinez, vì vậy ông sử dụng Thomas Muller và Mario Gotze ở hàng tiền vệ trung tâm, đồng thời cho Mario Mandzukic xuất phát ở vị trí trung phong. Bên phía Manchester United, Marouane Fellaini vắng mặt, Darren Fletcher được lựa chọn để đá cặp cùng Michael Carrick; Shinji Kagawa được đá chính. Danny Welbeck tiếp tục được xuất phát bên cạnh Wayne Rooney, người được cho là đã tiêm thuốc giảm đau để ra sân thi đấu.

Đội hình xuất phát của hai đội

1)”Hậu vệ biên” của Pep

Có một lí do để chứng minh vì sao Pep Guardiola được coi là huấn luyện viên xuất sắc nhất thế giới, bên cạnh việc ông luôn giữ tư duy bóng đá tiki-taka. Đó là bởi vì ông có thể nghĩ ra rất nhiều bài bản chiến thuật khác nhau. Hôm nay là một ví dụ.

Lahm và Alaba được biết đến với vị trí hậu vệ biên. Nhưng với Pep thì hai người không chỉ có vậy. Hôm nay, họ còn kèm thêm làm …tiền vệ trung tâm. Thật vậy. Trong giai đoạn triển khai bóng từ cầu môn, Lahm và Alaba di chuyển vào bên trong, khá thấp, ngay trước Dante và Boateng (trong khi Kroos lùi xuống thành một trung vệ thứ ba). Phía trên, phạm vi tấn công của Bayern được giữ rộng khi Ribery và Robben bám biên.

Lợi ích của cách làm này là như sau:

+) Bayern có thể giữ bóng tốt hơn ở giữa sân. Thứ nhất, bởi vì sự có mặt của hai hậu vệ biên giúp họ có lợi thế quân số ở khu vực này. Thứ hai, Lahm và Alaba không phải bám biên. Pep Guardiola không hề thích cầm bóng ở sát đường biên, bởi vì cầu thủ ở đó chỉ có thể chuyền bóng trong phạm vi 180 độ, trong khi ở giữa sân thì góc đó là 360 độ. Nếu bị áp sát ở sát đường biên, cầu thủ đó sẽ dễ bị cướp bóng hơn ở giữa sân – theo Pep thì “đường biên là “hậu vệ” giỏi nhất thế giới”.

+) Lahm với Alaba có thể băng lên xâm nhập ở tuyến giữa, cụ thể là vào vùng “half-space” khi hàng phòng ngự đối phương đã bị kéo giãn bởi Ribery và Robben làm nhiệm vụ bám biên. Hoặc nếu không, khoảng trống sẽ được tạo ra do sự di chuyển của các tiền vệ trung tâm khác:

Man United chơi với hai tầng, bố trí hẹp.

Man United chơi với hai tầng, bố trí hẹp.

Gotze di chuyển, kéo Fletcher theo. Khoảng trống được tạo ra, Lahm có bóng có thể băng lên, vượt qua Carrick.

Gotze di chuyển, kéo Fletcher theo. Khoảng trống được tạo ra, Lahm có bóng có thể băng lên, vượt qua Carrick.

+) Hai người vẫn có thể dạt ra cánh phòng thủ khi United phản công ở đó (khi vị trí ở trung tâm giúp họ có thể bắt người nhanh hơn)

Thực tế trên sân cho thấy: Bayern triển khai bóng từ cầu môn khá dễ dàng khi United không gây áp lực thực sự đáng kể (mà tập trung rút về phần sân nhà nhiều hơn) với lợi thế 4 đánh 2 (Boateng – Kroos – Dante và cả Neuer nữa), đồng thời đưa bóng lên dễ dàng hơn, kéo giãn được hàng phòng ngự của United và tấn công nguy hiểm hơn màn trình diễn trong hiệp một của trận lượt đi, buộc đối thủ phải lùi về rất sâu, gần như chỉ hoạt động ở khu vực vòng cấm. Bên cạnh đó, Mandzukic ở trong vòng cấm sẵn sàng đón nhận những đường tạt của đồng đội.

Đây không phải lần đầu tiên Bayern của Pep làm điều này, và cũng không phải là lần đầu tiên Pep nghĩ tới phương án “kéo giãn” kiểu này. Ở Barca Pep đã từng làm vậy, nhưng với những “chân chạy” là các tiền vệ băng lên từ trung tâm (như hình dưới đây). Giờ đây, vai trò đó được giao cho các hậu vệ biên.

Nguồn: Blog Santapelota

Vấn đề là ở chỗ, họ, giống như trận lượt đi, không thể ghi được bàn.

2) Đấu pháp của Man Utd

Đoàn quân của David Moyes tiếp tục chơi với chiến thuật phòng ngự – phản công. Với việc Fellaini vắng mặt, Man Utd mất đi lợi thế trong những tình huống phát bóng dài cũng như không chiến, nhưng kế hoạch của họ vẫn không thay đổi mấy so với trận lượt đi: lùi sâu lập hai tầng phòng ngự, sử dụng tốc độ và sức mạnh của Welbeck để phản công. Welbeck thường là người chơi cao nhất của đội khách, để Kagawa phòng ngự cánh trái và Rooney thi thoảng lui về kèm người.

Khi nói Man Utd “lùi sâu” có nghĩa là họ lùi rất sâu, gần như chỉ quanh quẩn ở khu vực vòng cấm với số đông. Trong khi ở trận lượt đi, United tỏ ra thoải mái hơn khi phòng ngự (do có thể giữ được khối phòng ngự hẹp) thì lần này, với bài “kéo giãn” cùng những đường xẻ nách cho tiền vệ băng lên của Bayern, United bị kéo giãn nhiều hơn, vùng “half-space” (khu vực nằm giữa “cánh” và “trung lộ”) bị hở ra. Để khắc phục điểm yếu này, cách tốt nhất là nhường hẳn không gian cho Bayern, United rút về phòng thủ vòng cấm. Cách thức này đã gây cho đội chủ nhà nhiều khó khăn trong việc tung ra những đường bóng quyết định.

Tốc độ của Welbeck là một mối đe dọa, cho dù cặp trung vệ Dante – Boateng đều không phải là những cầu thủ chậm (ít nhất họ nhanh nhẹn hơn Martinez). Anh còn có mối liên hệ khá tốt với Rooney, cho dù Rooney khá mờ nhạt (có lẽ là do chấn thương). Bên cạnh đó, Kagawa là một nhân tố thú vị trong cách chơi của Man Utd, khi anh di chuyển trên phạm vi khá rộng và kết nối các cầu thủ United đang dàn trải lại với nhau, đồng thời vượt qua những áp lực tới từ phía Bayern và tung ra những đường chuyền thông minh. Việc Bayern để ít người ở dưới (do cách bố trí tấn công khá giống 2-3-5) càng khiến họ dễ gặp nguy hiểm hơn.

Nhìn chung, phương pháp của Moyes không đem lại tới nhiều hiệu quả, nhưng United vẫn có những điểm sáng như trên.

3) Cách Bayern mở khóa United

Bayern có bóng, chưa thể hạ United. Bayern có rất nhiều bóng, vẫn chưa hạ nổi United. Vậy thì họ đã làm thế nào?

Thứ nhất, triển khai kế hoạch với tốc độ và sự chính xác tuyệt đối – điều mà họ có thể làm được – khiến đối thủ không kịp trở tay. Bàn thắng san hòa tỉ số là một ví dụ, khi Bayern giao bóng rất nhanh, Ribery xẻ nách chính xác cho Gotze; bóng được trao đổi với một đường chuyền gọn ghẽ, tiếp sau đó là một cú tạt và Mandzukic kết thúc chính xác. Khi Bayern đẩy cao tốc độ, họ có thể hạ được những bức tường khó chịu nhất.

Thứ hai, phản công. Khi United bị dẫn trước và Moyes tung thêm người để tấn công, United tỏ ra sơ hở hơn ở giữa sân. Hơn nữa, theo lí thuyết mà nói, khi đối phương mất bóng, đó là lúc họ thiếu tổ chức nhất, và phản công nhanh, hiệu quả là một vũ khí chết người, nhất là khi Bayern sở hữu những cầu thủ có tư duy chiến thuật và khả năng phối hợp cực tốt. Bàn thắng thứ ba của Bayern là một ví dụ: ba đánh bốn, Mandzukic chặn Vidic một lúc, khiến đội trưởng của United không thể kịp thời áp sát Robben; ở phía sau, Muller di chuyển  kéo Smalling theo mình; Robben cắt vào trong bằng chân trái, qua Evra và Vidic, sau đó lợi dụng khoảng không gian Muller đã tạo ra để sút bóng và ghi bàn.

Cầm nhiều bóng là một phương pháp để phá vỡ khối phòng ngự dày đặc của đối phương, khi đội cầm bóng có thể gây áp lực liên tục, đồng thời có thời gian để tạo ra các “bài” di chuyển, kéo đối phương khỏi vị trí, tạo khoảng trống, cũng như tấn công nhiều lần. Tuy nhiên, đôi lúc để bóng cho đối phương cũng là cách tốt nhất để ghi bàn vào lưới họ.

4) Kết luận

Man United bị coi – và thực tế đúng là – đội bóng yếu nhất ở vòng tứ kết, nhưng có lẽ nhiều người đã thất vọng khi Bayern không thắng giòn giã như cái cách Barca bị hạ năm ngoái. Nhưng đừng vì thế mà coi thường Bayern

Everton 3-0 Arsenal: Đội chủ nhà toàn thắng

 Trận cầu mang tính quyết định của Arsenal kết thúc với một thất bại bẽ bàng và vô cùng xứng đáng cho Arsene Wenger và các học trò, khiến cơ hội vô địch Ngoại hạng Anh của họ gần như là không còn.
Roberto Martinez đưa cầu thủ trẻ John Stones vào thế chỗ cho Phil Jagielka bị chấn thương. Leon Osman xuất phát thay cho Ross Barkley ngồi trên ghế dự bị (nhưng tới phút thứ 8, Osman bị chấn thương và Barkley phải vào thay) ; Steven Naismith cũng có suất đá chính. Bên phía Arsenal,Per Mertesacker – Thomas Vermaelen và Mikel Arteta – Mathieu Flamini vẫn tiếp tục có tên trong đội hình chính thức. Aaron Ramsey vừa mới trở lại sau chấn thương và ngồi trên ghế dự bị cùng Alex Oxlade-Chamberlain và Yaya Sanogo.

Đội hình xuất phát của hai đội

Đội hình xuất phát của hai đội

1) Chiến thuật lạ của Everton
Martinez là một huấn luyện viên rất sáng tạo. Ông sử dụng một sơ đồ 3-4-3 “phiêu lưu” cho Wigan, giúp đội bóng này tránh xuống hạng nhiều lần, đạt cúp FA trong khi vẫn chơi một thứ bóng đá tích cực. Và hôm nay, ông để Lukaku ra cánh phải, Naismith đá cao nhất, Mirallas sang vị trí lệch trái không quen thuộc.
Logic là như thế này: Lukaku sẽ đóng vai trò “tiền đạo thứ hai” khi di chuyển từ cánh vào, đồng thời việc hậu vệ trái của Arsenal thường không dâng cao bằng đồng nghiệp bên cánh đối diện sẽ giúp tiền đạo người Bỉ không bị khai thác; Naismith di chuyển rộng, sẽ hợp thành với Lukaku tạo thành “cặp tiền đạo”, trong khi Mirallas tấn công vào phía sau lưng Sagna khi anh này băng lên.
Martinez biết rõ những điểm yếu của Arsenal nơi hàng phòng ngự: hậu vệ phải hay dâng cao (vì vậy ông muốn dùng Mirallas để phản công thay vì một Naismith phòng ngự tốt hơn); cặp trung vệ Mertesacker – Vermaelen không thật sự mạnh, Vermaelen chọn vị trí kém còn Mertesacker chậm, vì vậy đặt hai người vào thế 2 chống 2 nhằm kéo họ ra khỏi vị trí là một phương án tốt.
Và kết quả thì trên cả tuyệt vời, khi cả ba bàn thắng của Everton đều là hệ quả từ chiến thuật này.
+) Trong bàn thắng thứ nhất, Mirallas hút Mertesacker theo, trong khi Naismith lùi xuống và kéo Vermaelen lên khỏi vị trí, từ đó tạo ra một khoảng trống rộng cho Baines chuyền vào tới chân Lukaku đang băng vào.
+) Bàn thắng thứ hai tới từ pha đi bóng vào và dứt điểm bằng chân trái của Lukaku, từ một tình huống phản công.
+) Bàn thắng thứ ba xuất phát từ việc Mirallas cướp bóng của Sagna, đi bóng vào khoảng trống rộng lớn trước mặt.
2) Trận đấu tệ hại của Arsenal
Everton chơi hay nhất trong những tình huống phản công, khi có những khoảng trống phía sau lưng Arsenal và Lukaku, Naismith, Mirallas có thể đánh trực tiếp vào hàng hậu vệ đội khách. Đồng thời, khi cầm bóng tấn công, họ triển khai một cách có mục đích và khá sắc. Trong khi đó, Arsenal không làm được bất cứ điều gì tốt cả.
Các Pháo thủ muốn đẩy cao lên pressing, nhưng Everton thoát khỏi vòng áp sát của họ một cách quá dễ dàng bằng cách đưa Barry lùi xuống thành một trung vệ thứ ba, tạo thành thế 3 người chống lại Giroud và Rosicky. Họ cũng không cắt được bóng sau đó khi Barkley (thay Osman bị chấn thương từ phút thứ 8) lùi xuống để hỗ trợ đồng đội ở giữa sân và phải lùi xuống một phần ba sân của mình, trong khi Everton tấn công một cách trực diện.
Tệ hơn cả là cách Arsenal triển khai tấn công. Everton chủ động lùi xuống nửa phần sân nhà của mình, dùng hai cầu thủ đứng cao nhất của mình là Naismith và Osman/Barkley áp sát Flamini và Arteta. Everton dần dần lùi sâu về trước vòng cấm của mình, buộc Arsenal phải phá vỡ một cái “xe bus” trước khung thành Howard. Trong những lúc như thế này, sự di chuyển không bóng của các cầu thủ Arsenal là hết sức tệ, khiến họ trở nên vô dụng trước tầng lớp phòng thủ của The Toffees. Không có những pha băng cắt trực diện từ dưới lên, không có những tam giác hay những bài bản chạy chỗ phối hợp để vượt qua khối phòng ngự màu áo xanh. Rosicky và Cazorla di chuyển ngang qua lại, nhưng tất cả những gì các cầu thủ Arsenal làm được là chờ bóng tới chân và tìm cách phối hợp trước mặt đối thủ thay vì xuyên phá. Điều quan trọng nhất mà Arsenal cần là sự di chuyển “thẳng”, sự đột phá (theo tiếng Anh là “vertical movements”) nhằm kéo theo cầu thủ Everton, tạo khoảng trống và lợi dụng khoảng trống đó, nhưng Arteta và Flamini không làm được điều này, Podolski gần như chỉ đứng yên một chỗ trong khi Rosicky và Cazorla thì hầu như di chuyển theo chiều ngang sân. Những cầu thủ như Ramsey, Chamberlain là lí tưởng hơn cả, nhưng họ đều bị cất trên băng ghế dự bị.
Trong trận này, Arsenal bị khối phòng ngự của Everton đẩy ra cánh, nhưng họ lên bóng chủ yếu ở cánh phải, không khai thác khu vực cánh trái nơi khả năng phòng ngự của Everton là khá yếu (phải đến gần cuối hiệp 1 Arsenal mới nhận ra điều này), và khi có bóng ở cánh, các Pháo thủ cũng không phối hợp gì mấy: thay vì kéo giãn hàng phòng ngự đối thủ, Arsenal trông đợi vào những cú tạt.
Khi đã không thể tấn công một cách hiệu quả, Arsenal dễ dàng bị mất bóng và dính những đòn phản công của Everton như đã trình bày ở trên. Còn khi phản công, Arsenal bị chặn đứng lại rất nhanh. Hướng phản công khả dĩ nhất của họ là ở cánh phải, đánh vào vị trí sau lưng Baines và bên trái của Distin, nhưng Arsenal không có khả năng làm được việc này khi mũi nhọn phản công của họ là Podolski lại ở bên trái và gặp khó trước Coleman.
Nói tóm lại, trong cả bốn giai đoạn của cuộc chơi, Arsenal đều thua cả bốn.
3) Những sự thay đổi người
Wenger đợi đến phút 65 mới đưa Ramsey và Chamberlain vào sân, đợi tới phút 70 để đưa Sanogo vào thay Giroud, trong khi đó là việc đáng ra ông phải làm từ sau giờ nghỉ. Arsenal tấn công đa dạng hơn với sự di chuyển tốt của cả Ramsey lẫn Chamberlain, nhưng Everton lúc này tập trung vào lập khối phòng ngự và lợi dụng những khoảng trống Arsenal bỏ lại ngày càng nhiều phía sau lưng để phản công, với tốc độ của Mirallas, Naismith và Lukaku. Hai sự thay đổi người của Martinez đều đơn giản: McGeady sung sức thay thế một Naismith đã hoàn thành nhiệm vụ, trong khi Deulofeu thay Lukaku để thêm tốc độ cho những pha phản công.
Trong khi đó, Arsenal vẫn tiếp tục bế tắc, khi cơ hội ngon ăn nhất họ tạo ra là cú sút chạm xà của Chamberlain cùng với bàn thắng không được công nhận của Sanogo.
4) Kết luận
Một chiến thắng toàn diện và vô cùng xứng đáng cho Martinez cùng các học trò. Ông thầy người Tây Ban Nha đưa ra một chiến thuật lạ và hết sức sáng tạo, đồng thời cũng hết sức hiệu quả. Everton không chỉ khai thác được những điểm yếu của đối thủ, họ còn tỏ ra vượt trội về tất cả các mặt, mặc dù Arsenal mới là đội cầm bóng nhiều hơn hẳn. Còn Arsenal, họ đang gặp một cơn khủng hoảng nghiêm trọng về mặt tâm lí, chiến thuật cũng như niềm tin. Cuộc đối đầu với Wigan tại đấu trường cúp FA – cơ hội duy nhất cho Pháo thủ giải khát danh hiệu – đang trở nên khó khăn hơn, cũng như cuộc đua giành vé dự Champions League mùa sau.

Manchester United 1-1 Bayern Munich: Kết quả ngoài dự kiến cho Man United do thiếu sót của đối phương

Manchester United đã cầm hòa đối thủ được đánh giá cao hơn mình rất nhiều, trong khi Bayern Munich có một màn trình diễn dưới sức, nhưng ít ra họ còn có lợi thế bàn thắng trên sân khách.

Ryan Giggs tiếp tục được David Moyes tin tưởng đưa vào đội hình xuất phát tại đấu trường Champions League, bên cạnh đó là Danny Welbeck cũng được trao cơ hội. Cặp trung vệ già dặn Rio Ferdinand – Nemanja Vidic sát cánh bên nhau thêm một lần nữa, Phil Jones chuyển sang cánh phải, Alexander Buttner đảm nhận nhiệm vụ vô cùng nặng nề ở bên cánh trái. Bên phía đội khách, Javi Martinez và Jerome Boateng đá cặp trung vệ khi Dante bị treo giò; Lahm, Schweinsteiger và Kroos là ba tiền vệ trung tâm khi Thiago Alcantara chấn thương; Thomas Muller đá cao nhất khi Pep Guardiola cất Mario Mandzukic trên ghế dự bị.

1) Chiến thuật chung

Đội hình xuất phát của hai đội

Đội hình xuất phát của hai đội

Man United ra sân với sơ đồ chiến thuật khá thú vị: lai giữa 4-4-2 và 4-5-1. Ryan Giggs đóng vai trò một “tiền vệ trung tâm lệch trái”, còn Danny Welbeck vừa có thể coi là một “tiền vệ trái”, nhưng anh cũng vừa băng lên để đóng vai trò “tiền đạo” bên cạnh Wayne Rooney nữa (lúc này thì Giggs sẽ dạt sang trái phòng ngự thay anh). Kế hoạch của họ là: gây áp lực mỗi khi Bayern triển khai bóng từ cầu môn, sau đó lui xuống thật nhanh, lập hai tầng phòng ngự trước cầu môn của David de Gea, nhường bóng cho đối thủ toàn quyền kiểm soát.

Trong khi đó sơ đồ của Bayern có thể coi là 4-3-3 hoặc 4-2-3-1 cũng được. Lahm lui về ngang với hai trung vệ mỗi khi Bayern đưa bóng lên, Kroos chơi khá thấp và lệch sang trái, Schweinsteiger tự do nhất. Ba tiền vệ trung tâm của Bayern di chuyển và có thể đảo chỗ khá linh hoạt. Phía trên, Ribery và Robben được di chuyển thoải mái, Muller thường lùi xuống về phía bóng thay vì đứng trên cao, trực tiếp đấu với Ferdinand hoặc Vidic.

Không quá ngạc nhiên, Bayern là đội kiểm soát hoàn toàn trận đấu. Nhưng họ không thể kiểm soát được bảng tỉ số theo ý muốn, khi phá vỡ hàng phòng ngự của đối phương là một bài toán khó đối với Bayern.

2) Tấn công theo cánh phải

Cánh trái của Man United là nơi yếu nhất khi Buttner phải trám chỗ cho Evra, đồng thời với cách bố trí Giggs và Welbeck như đã nói tới ở trên, vì vậy không có gì khó hiểu khi đây là nơi tấn công chính của đội bóng Đức. Đây là hình ảnh minh họa cách tổ chức tấn công của họ:

bayern

Các cầu thủ Bayern di chuyển khá linh hoạt, không nhất thiết cố định. Mục đích của họ là phối hợp, kéo giãn hệ thống bên cánh phải của United theo chiều ngang cũng như chiều dọc, nhằm mở ra và xâm nhập khoảng trống ở khu vực này (tạm gọi là “khu vực hỗn hợp”). Rafinha lên cao và bám biên, Robben chơi thấp hơn, Muller ở phía trên có thể lùi xuống một quãng ngắn và “làm tường” phối hợp, trong khi Ribery ở cánh trái di chuyển vào giữa sân.

 Vấn đề của Bayern ở đây là tuyến tiền vệ của họ không hỗ trợ đủ để có thể tấn công một cách hiệu quả. United giữ một đội hình hẹp, sẵn sàng để Rafinha thoải mái, trong khi Bayern không có một tiền vệ nào băng cắt lên cả. Cụ thể, Lahm thường chơi thấp bên phải, Kroos cũng tương tự ở bên trái, Schweinsteiger chơi khá thấp (và di chuyển khá tốt) ở những phút đầu, sau đó anh thường di chuyển lên cao (như trong hình) và không hỗ trợ nhiều cho triển khai bóng ở khu vực này. Bên cạnh đó, Ribery cũng không di chuyển, vùng anh đứng cũng bị Carrick để ý khống chế. Kết quả là Bayern, thay vì chơi xuyên qua đối thủ, lại chơi trước mặt đối thủ và buộc phải dùng những quả tạt có hiệu quả không cao. Những lúc Giggs và Welbeck cùng phòng ngự cánh trái (tuy không nhiều), công việc này cho Bayern còn khó gấp bội.

 Đây là một tình huống phối hợp tốt của Bayern – đáng lẽ ra những tình huống như thế này cần phải được lặp lại nhiều hơn:

Lahm (vàng) và Muller (đen) di chuyển theo hướng mũi tên. Robben (xanh) có bóng, Rafinha (đỏ) di chuyển ra biên. Schweinsteiger (xanh lá) di chuyển rộng ra sát biên, kéo theo Giggs (mũi tên xanh)

Lahm (vàng) và Muller (đen) di chuyển theo hướng mũi tên. Robben (xanh) có bóng, Rafinha (đỏ) di chuyển ra biên. Schweinsteiger (xanh lá) di chuyển rộng ra sát biên, kéo theo Giggs (mũi tên xanh)

Robben (xanh) chuyền bóng. Lahm (vàng) có mặt ở vị trí (giữa 4 cầu thủ United, như hình) và bật nhả với Muller (đen).

Robben (xanh) chuyền bóng. Lahm (vàng) có mặt ở vị trí (giữa 4 cầu thủ United, như hình) và bật nhả với Muller (đen).

 Giải pháp cho Bayern là họ nên kéo Giggs ra (Rafinha có thể làm việc này bằng cách lùi thấp xuống thay vì dâng cao như bình thường), tạo khoảng trống giữa anh và Carrick, đồng thời Kroos hay Lahm có thể đẩy cao lên, băng vào vị trí này để phá xuyên qua lớp tường bê tông của United.

3) Tấn công theo cánh trái

 Bayern có thể chuyển cánh một cách linh hoạt. Cách đánh cánh trái của họ đơn giản hơn nhưng cũng không kém phần nguy hiểm khi ở đó là hai mũi tấn công nguy hiểm là Ribery và Alaba di chuyển ăn ý, đa dạng. Bên cạnh đó, Robben cũng sẵn sàng dạt sang giúp đỡ.

 United  phòng ngự tốt ở khu vực này. Valencia theo sát Alaba, Jones cảnh giác trước sự di chuyển của Ribery, và khi Robben vào cuộc để áp đảo quân số, Fellaini cũng có thể dạt ra để hỗ trợ cho đồng đội. Với cách phòng ngự này, có hai khoảng trống lộ ra mà Bayern có thể lợi dụng được: Thứ nhất, là giữa Valencia và Fellaini khi cầu thủ người Ecuador theo sát Alaba; thứ hai, là khoảng trống giữa Fellaini và Carrick (cầu thủ người Bỉ lại còn chậm). Tuy nhiên, Bayern không khai thác được khoảng trống nào. Có thể là họ không chú trọng vào khu vực này và chỉ coi đây là một “trạm dừng” trong chuỗi luân chuyển bóng liên tục nhằm phá vỡ hàng thủ United, nhằm chuẩn bị về thời gian cũng như các khoảng không gian trước khi đưa bóng tiếp sang bên phải. Một nguyên nhân khác là Toni Kroos được chỉ đạo giữ vị trí lùi khá thấp, tập trung điều phối bóng sang hai bên chứ không băng lên.

4) Phương án tấn công của United

 Man Utd có hai phương án khi cần tấn công lên phía trước:

+) Phương án 1: Dùng bóng dài cùng với tạt. Moyes đẩy Fellaini lên cao mỗi khi David de Gea phát bóng nhằm giành lợi thế không chiến, đồng thời chỉ đạo cho hầu hết những đường lên bóng của United đều ở cánh phải, nơi Valencia sẽ phối hợp một-hai với Rooney hoặc Fellaini trước khi tạt vào trong (Fellaini cũng xâm nhập vòng cấm). Đi kèm với đó, United sẽ đẩy cao lên áp sát nhằm tranh chấp bóng.

 Các cách tiếp cận của United dưới thời Moyes rất hạn chế, tuy nhiên trong trường hợp này không nhiều cách tấn công khả dĩ bằng cách này. Hiệu quả của tạt bóng là không cao, United không tạo ra được cơ hội theo cách này, hơn nữa nó còn để lại những điểm yếu:

Khi đẩy cao toàn bộ lên đón đường phát bóng dài từ De Gea, United rất dễ bị dính đòn phản công. Ở đây, một mình Carrick phải đối đầu với ít nhất 3 cầu thủ Bayern băng lên.

Khi đẩy cao toàn bộ lên đón đường phát bóng dài từ De Gea, United rất dễ bị dính đòn phản công. Ở đây, một mình Carrick phải đối đầu với ít nhất 3 cầu thủ Bayern băng lên.

United đẩy cao đội hình áp sát, không cho Bayern triển khai bóng. Hàng tiền vệ Man Utd được nối bằng vạch da cam. Ryan Giggs nằm ngoài khung ảnh.

United đẩy cao đội hình áp sát, không cho Bayern triển khai bóng. Hàng tiền vệ Man Utd được nối bằng vạch da cam. Ryan Giggs nằm ngoài khung ảnh.

Kết quả là để lộ một khoảng trống khổng lồ giữa hai tuyến.

Kết quả là để lộ một khoảng trống khổng lồ giữa hai tuyến.

+) Phương án 2: Danny Welbeck. Moyes sử dụng tốc độ của cầu thủ trẻ người Anh trong những đợt phản công nhằm đánh thẳng về phía khung thành Neuer, gây khó khăn cho cặp trung vệ Boateng – Martinez cùng với Wayne Rooney (nhất là Martinez, người không nhanh nhẹn bằng Boateng). Kết quả thu được là tình huống Welbeck đối mặt Neuer vào phút thứ 39 (nhưng lại lốp bóng không thành công), và tình huống anh suýt chút nữa thoát xuống 2 phút sau đó.

5) Những sự thay đổi

 Moyes là người thay đổi đầu tiên khi tung Shinji Kagawa vào sân thay lão tướng Ryan Giggs. United chuyển hẳn về 4-4-2, với Kagawa và Welbeck thay phiên nhau phòng ngự cánh trái. United tỏ ra ít có khả năng tấn công lên phía trước hơn, nhưng lại có bàn thắng từ một tình huống phạt góc. Trong tình huống đó, cách bố trí phòng ngự khu vực của Bayern thất bại khi bóng đi qua vùng phòng ngự của Boateng, trong khi Jones đã chặn Martinez là người phòng ngự phía sau Boateng, và Vidic có một pha bay người đánh đầu đẹp.

 Lối chơi của Bayern trước khi Man Utd mở tỉ số đã có sự khởi sắc, khi Lahm di chuyển lên cao hơn ở bên phía cánh trái, Schweinsteiger lùi xuống phối hợp bên cánh phải nhiều hơn, làm Bayern cầm bóng, triển khai và xoay vòng vị trí cầu thủ tốt hơn. Sau khi đã bị dẫn trước, Pep quyết định hành động bằng cách đưa Mandzukic vào sân thay Muller. Cầu thủ người Croatia là một trung phong cắm đích thực, anh là một phương án thường trực trong vòng cấm để đón những cú tạt (như cái cách anh đánh đầu xuống cho Schweinsteiger ghi bàn san hòa tỉ số) đồng thời ghim hàng hậu vệ United lùi lại, tạo khoảng trống giữa hai tuyến – tuy nhiên khi đội chủ nhà đã lùi sâu sẵn rồi, hiệu quả là không thật sự rõ ràng. Mario Gotze được đưa vào sân sau đó nhằm cung cấp thêm Bayern sức lực với khả năng di chuyển không bóng giữa hai tuyến rất tốt của mình

 United có trên sân Kagawa là một cầu thủ chơi phản công rất tốt (vốn là cầu thủ Dortmund), nhưng lại không có một mối đe dọa rõ ràng khi phản công. Khi Schweinsteiger bị đuổi, trận đấu coi như là đã kết thúc khi Bayern lùi về phòng ngự với 10 người trên sân, còn United được cầm bóng nhưng lại thiếu ý tưởng và xơ cứng như thường lệ.

6) Kết luận

 Nếu mục tiêu của United đến với trận đấu này chỉ là không để thua quá đậm thì có thể nói họ đã đại thắng. Bayern không thể làm gì nổi họ trong suốt hiệp một, thậm chí còn bị thủng lưới trước. Tuy vậy, thực tế là United chỉ làm tốt việc lập khối phòng ngự, còn khi tiến lên phía trước họ vẫn còn nhiều thiếu sót. Còn về phía Bayern, đáng lẽ ra Pep Guardiola nên biết là đội bóng của ông hoàn toàn có thể áp đảo đối thủ ngay tại sào huyệt của họ, và đã có thể dũng cảm hơn trong chỉ đạo thay vì quá cẩn thận như trong hiệp một. Tuy đây là một tỉ số sẽ không làm nhiều fan Bayern hài lòng, nhưng ít ra là họ còn trận lượt về, và cửa đi tiếp dành cho đại diện nước Đức vẫn là rất cao.