Fiorentina 4-2 Juventus: Forza Viola!

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

“Không thể tin được” chắc chắn sẽ là những từ để miêu tả chiến thắng của Fiorentina trước Juventus, khi họ đã bị dẫn 2-0 cho tới qua phút 60, nhưng vẫn ghi được tới 4 bàn để hoàn tất cuộc lội ngược dòng hết sức ngoạn mục. Trận đấu đã diễn ra khá cân bằng, hai đội tỏ ra khá ngang tài ngang sức và trận đấu đã có thể kết thúc với thắng lợi cho Juve, nhưng cuối cùng “cầm vàng lại để vàng rơi”.

Fiorentina xuất phát với 4 tiền vệ trung tâm là Pizarro, Ambrosini, Valero và Aquilani; trong khi đó, Juve đưa ra sân Marchisio thay cho Pogba và chọn cặp tiền đạo là Llorente – Tevez, ngoài ra giữ nguyên sơ đồ 3-5-2.

1) Cuộc chiến ở tuyến giữa

Đội hình xuất phát của hai đội

Cả hai đội đều có một regista ở vị trí thấp nhất: Pizarro của Fio và Pirlo của Juve. Và cả hai đều được tự do, không có một đối thủ trực tiếp nào kèm cặp cả. Kết quả là họ thoải mái điều tiết bóng cũng như băng lên phía trước để tạo tam giác phối hợp, áp đảo đối thủ. Về tầm ảnh hưởng lên lối chơi thì Pirlo là người nhỉnh hơn, với nhãn quan và tầm chuyền bóng tốt.

Hai tiền vệ trung tâm phía trên của mỗi bên cũng hoạt động khá giống nhau: Valero băng lên từ giữa sân để đưa bóng lên cung cấp cho tuyến trên, nhưng anh gặp phải cản trở mang tên Paul Pogba – cầu thủ trẻ người Pháp cũng thường xuyên băng lên xâm nhập đội hình đối phương (và anh làm công việc này cực tốt, với bàn thắng thứ hai của Juve là một dẫn chứng); Marchisio và Ambrosini thì cẩn trọng hơn (đặc biệt là Ambrosini, anh chơi khá thấp và ngang hàng với Pizarro).

Tevez và Aquilani không đóng góp gì cho trận chiến giành tuyến giữa, mà tập trung vào việc phối hợp với tiền đạo cắm.

Bên phía hai cánh, Cuadrado rất nổi bật và là một mũi tấn công chính của Fiorentina với khả năng đi bóng trực diện về phía khung thành của mình – anh đẩy một Asamoah vốn nguy hiểm trong tấn công thường ngày về thế phòng ngự. Còn ở cánh bên kia, Pasqual có mặt ở đúng vị trí, thoát khỏi tầm kiểm soát của Padoin và phối hợp với đồng đội, tuy nhiên không có nhiều diễn biến thú vị ở khu vực này.

2) Cặp tiền đạo

Fiorentina là đội có phần chủ động hơn trong trận đấu này. Họ tiếp cận khung thành Juve theo ba cách: Thứ nhất, Valero đưa bóng lên, như là một cầu nối hàng tiền vệ với tiền đạo. Thứ hai, Cuadrado. Thứ ba (cách được sử dụng rất nhiều trong nửa đầu hiệp một) là những đường bóng dài trực diện lên cho Rossi và Aquilani ở phía trên nhằm làm “chân chống”, buộc Juve phải lùi xuống. Tuy vậy, họ bị đánh bại trong thế 3 chống 2 – Juve không có khó khăn mấy trong việc phòng ngự.

Tình hình tương tự cũng xảy ra với Juve: Tevez muốn làm việc với Llorente như một cặp đôi tiền đạo, tuy vậy 3 trung vệ Fio, với lợi thế quân số, cũng giải quyết khá tốt điều này. Tuy vậy, Tevez không hoàn toàn vô dụng – anh thường lùi xuống khi đội nhà không có bóng và khi phản công thì là người đưa bóng lên phía trước, đóng vai trò ngòi nổ.

Quay trở lại phía Fiorentina – khi Fernandez vào sân thay Ambrosini, tuy cầu thủ người Chile không tạo được đột biến đáng kể, nhưng Fio đã có một mối liên kết mới giữa hai tuyến. Fernandez ít nhất cũng lùi xuống và phối hợp với tuyến giữa, làm Fio triển khai bóng có phần mạch lạc hơn.

3) Montella thay đổi chiến thuật

La Viola bị thua hai bàn chủ yếu là do lỗi cá nhân: Gonzalo Rodriguez trong bàn thứ nhất với pha truy cản không đáng có, Cuadrado với pha phá bóng hỏng ở bàn thứ hai. Thế trận tỏ ra không thay đổi và Fio không có vẻ gì là sẽ ghi được bàn danh dự…cho tới khi Montella thay người.

Đội hình 2 bên sau sự thay đổi chiến thuật của Montella

Joaquin được tung vào thay Aquilani – và Fiorentina chuyển sang 4-2-3-1, với Cuadrado chuyển sang cánh trái, Joaquin bên phải, Fernandez phía sau Rossi, Valero cặp cùng Pizarro ở hàng tiền vệ. Về lí thuyết đây là bước đi đúng khi Fio có thể lợi dụng lợi thế quân số 2 đánh 1 ở mỗi cánh nhằm khai thác hàng phòng ngự Juve – và họ đã làm vậy. La Viola đẩy đội hình lên tấn công nhanh chóng với cường độ cao, đặc biệt là áp lực ở hai cánh. Phái khen ngợi tinh thần chiến đấu của các cầu thủ Fiorentina: họ phối hợp, di chuyển chính xác, giữ nhịp tấn công mạnh và không bỏ cuộc. Bàn gỡ đầu tiên là một pha ngã đẹp; bàn thứ hai là cú sút rất tốt của Rossi và phản xạ chậm từ Buffon; bàn thứ ba là pha lập công trong thế hoàn toàn tự do của Joaquin (toàn bộ đội hình Juve đã bị kéo lệch sang bên phải và không ai kèm Joaquin – Asamoah đang ở đâu? Đây có thể coi là một bằng chứng cho thấy điểm yếu cánh Juve đã bị khai thác), còn bàn cuối cùng là một pha phản công rất mẫu mực.

Juve vùng lên với sự thay đổi sang 4-3-3 của Conte khi họ đã để thua 3 bàn (Giovinco thay Asamoah), tuy nhiên họ không thể làm được gì hơn ngoài việc nhìn Fio khóa sổ trận đấu.

Lời kết

Đây là một chiến thắng đẹp, không thể tin được và có phần…khó hiểu của Fiorentina. Tuy vậy, đây là đội bóng đã hoàn toàn áp đảo Milan khi chỉ chơi với 10 người vào mùa giải trước, vì vậy cũng không nên quá ngạc nhiên. Lần này, một vũ khí của họ đã được áp dụng: sự linh hoạt trong chiến thuật – điều mà Juve đang dần đánh mất.

ACF Fiorentina: Mùa giải mới và những tham vọng mới

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/BuliaNhatilas

Những người hâm mộ của Fiorentina hẳn sẽ không thể quên giai đoạn bết bát hậu-Prandelli, khi mà Fio phải liên tiếp chiến đấu chống xuống hạng. Điển hình cho sự bất ổn, tuyệt vọng của La Viola là  hình ảnh Delio Rossi đánh học trò Ljajic. Sau hai năm, nhà Della Valle thấy thế là quá đủ. Quyết định đầu tư được đưa ra: HLV mới (Montella), những cầu thủ mới như thủ môn mới Viviano, hậu vệ mới (Savic, Roncaglia…), tiền vệ mới (Aquilani, Valero, Pizarro…) tiền đạo mới (Toni – và Rossi trong kì chuyển nhượng mùa đông) và thải loại đi hàng loạt cầu thủ (tất nhiên, họ cũng phải chia tay với đội trưởng Riccardo Montolivo). 17 trên 26 cầu thủ trong đội 1 là tân binh, và trong đội hình chính chi còn 2 “người cũ” là đội trưởng Pasqual cùng ngôi sao trẻ Jovetic (Adem Ljajic, người cũng xuất hiện trong nhiều trận đấu, là 3).

 Cuộc thay máu toàn diện này đã đem lại thành công rất lớn. Fio có suất dự Europa League (suýt nữa được một vé chơi Champions League), chơi một thứ bóng đá lôi cuốn cả Serie A. Với một “người mới ốm dậy” như Fio, đây quả là một thành tích.

1) Fio của Montella

 “Tiểu phi cơ” ngày nào là một huấn luyện viên trẻ, tài năng và gắn bó với triết lí bóng đá tấn công đẹp mắt, dù là 3-5-2 hay là 4-3-3.

 Đội bóng của ông có một hàng hậu vệ có chất lượng phòng ngự cũng như kĩ thuật tốt là bộ ba Savic – Rodriguez – Roncaglia, đồng thời có hai trung vệ dự bị khác là Tomovic và Compper, những người sẵn sàng vào sân và làm tròn nhiệm vụ. Điều thú vị của Fio là ở chỗ các hậu vệ của họ đa năng: Roncaglia và Tomovic có thể chơi ở hậu vệ phải (RB), Compper có thể đá hậu vệ trái (LB). Vì vậy, La Viola có thể chuyển từ 3 hậu vệ sang 4 hậu vệ ngay trong trận đấu nếu muốn – một lợi thế rất lớn, nhất là khi đối đầu với những chiến thuật gia khác tại đấu trường Serie A.

 Vai trò của Pasqual và Cuadrado trong đội hình của Fio là quan trọng. Đội trưởng Manuel Pasqual, vốn chỉ là một cầu thủ tầm khá, tỏ ra thích hợp với vị trí wingback và là một nguồn tạt bóng thường trực, trong khi cầu thủ Colombia Cuadrado cung cấp cho đội bóng áo tím tốc độ, khả năng bứt phá. Pasqual có thể được chuyển xuống đảm nhiệm vị trí hậu vệ trái, trong khi Cuadrado vừa đá được hậu vệ phải trong hàng phòng ngự 4 người, vừa có thể đẩy lên làm tiền đạo cánh – một con bài vô cùng đắc lực trong tay của Montella.

 Hàng tiền vệ của Fio dựa trên nền tảng kĩ thuật và sáng tạo là chủ yếu. Chơi thấp nhất là Pizarro, một regista đảm nhiệm việc phân phối bóng cũng như có khả năng thu hồi bóng tốt – một lá chắn đáng tin cậy trước hàng hậu vệ Fio. Phía trên anh là Aquilani và Valero – 2 cầu thủ thiên về kĩ thuật và sáng tạo, có nhiệm vụ băng lên phía trước và hỗ trợ tấn công, đồng thời có thể phối hợp cùng Pizarro ở dưới. Bộ ba tiền vệ này được giữ nguyên công thức và giúp Fiorentina có thể cầm giữ, điều tiết bóng rất tốt ở khu vực giữa sân. Có thể câu hỏi sẽ được đặt ra “Liệu hàng tiền vệ Fiorentina có bị đối thủ áp đảo bằng cơ bắp không?”, nhưng Montella đã có những cầu thủ như Migliaccio, Sissoko để đảm bảo điều này không xảy ra rồi; hơn nữa, chất lượng kĩ thuật của hàng tiền vệ Fio cũng có thể vượt qua được rào cản cơ bắp.

 Hàng tấn công của họ có nhiều phương án: Một Jovetic sáng giá, nhanh nhẹn, di chuyển tốt, có khả năng săn bàn, một Ljajic đầy đột biến di chuyển tự do phía sau hỗ trợ, và cả một lão tướng Luca Toni đóng vai trò trung phong cao to làm “điểm tập trung tấn công” nữa. Tuy nhiên, hàng tấn công của Fiorentina cũng sẽ là một vấn đề trong tương lai vì Toni rõ ràng là không còn đủ sức thi đấu đỉnh cao nữa, trong khi Jovetic, và cả Ljajic nữa, có thể sẽ chuyển tới một câu lạc bộ lớn hơn.

Sơ đồ 3-5-2 của Fiorentina...

Sơ đồ 3-5-2 của Fiorentina…

...và sơ đồ 4-3-3

…và sơ đồ 4-3-3

2) Fio trong mùa giải tới

 Chắc chắn là sẽ không có chuyện Montella thay đổi 180 độ lối chơi hiện tại của đội – tại sao phải thay đổi một công thức bóng đá đang hiệu quả mà đẹp mắt? Điều mà ông làm là bổ sung thêm nhân sự để có thể thi đấu tốt trên các đấu trường (Fio sẽ tham dự Europa League), đồng thời có thêm nhiều phương án chiến thuật khác nhau.

a) Hàng tiền đạo chính là nơi mà Fio phải chú ý nhất, do Jovetic và Ljajic đều đang được các đại gia săn đón liên tục. Từ mùa giải trước, Fio đã có trong tay Giuseppe Rossi; cựu tiền đạo của M.U và Villareal sẽ là sự thay thế tốt cho Jovetic, mặc dù anh đã không chơi bóng trong hơn 1 năm qua.

 Nếu còn lo ngại về tiền sử chấn thương của Rossi thì các cổ động viên của Fiorentina cũng không cần quá lo ngại khi đội bóng con cưng đã kí hợp đồng với Mario Gomez từ Bayern Munich. Gomez thực tế là một tiền đạo cổ điển: to cao, không chiến ổn, ghi bàn tốt (dù cũng bỏ lỡ khá nhiều cơ hội ngon ăn) và nhất là thích chỉ hoạt động trong vòng cấm hơn là di chuyển rộng để phối hợp với đồng đội. Đó là lí do vì sao anh không được trọng dụng ở Bayern so với một Mandzukic năng nổ hơn nhiều, tuy vậy Gomez ở Fiorentina sẽ là một “điểm tập trung” tốt, một nỗi đe dọa thường trực buộc các hậu vệ phải dè chừng (từ đó mở ra khả năng cho đồng đội phía sau hoạt động).

 Tuy vậy, Gomez sẽ buộc Fiorentina phải phụ thuộc vào anh. Do phong cách chơi bóng như trên, anh sẽ chỉ đợi chờ các đồng đội ở dưới lên “tiếp đạn” – như vậy, Fiorentina sẽ trở nên quá đơn điệu và một chiều. Nên nhớ là Gomez không nhanh, cũng không hẳn là một “target-man” kiểu Heskey, không lùi xuống và cũng không dạt cánh…chỉ đơn thuần là một “poacher”. Mà Gomez có thể coi đã nắm được một suất đá chính, vì vậy có thể anh cần một đối tác năng động hơn, như Giuseppe Rossi, hoặc Adem Ljajic. Một Fiorentina phụ thuộc vào Gomez có thể sẽ qua được những đối thủ nhỏ yếu ở Serie A cũng như những đội nhẹ cân ở vòng bảng Europa League bằng kĩ năng trội hơn, nhưng sẽ thật khó khi họ gặp những đội từ cấp “khó nhằn” trở lên và bị bắt bài.

Gomez – lời tuyên bố tham vọng của Fiorentina

 Một bản hợp đồng mới khác của La Viola là Joaquin. Anh là một cầu thủ chạy cánh điển hình: chơi rộng ở cánh, có kĩ thuật, tốc độ và khả năng qua người. Cùng Malaga, Joaquin đã chơi rất tốt ở vị trí chạy cánh phải cũng như tiền đạo lùi hỗ trợ cho trung phong. Anh có thể đã 31 tuổi và có thể không còn giữ vững phong độ đỉnh cao, tuy nhiên Joaquin hứa hẹn sẽ đem tới thêm tốc độ và sự khó lường cho Fiorentina tại đấu trường Serie A – nơi các trận đấu thường diễn ra với tốc độ chậm, và đặc biệt là các đội có xu hướng sử dụng những sơ đồ như 4-3-1-2, 3-5-2…nơi mà chỉ có 1 cầu thủ ở mỗi cánh.

 Cuối cùng, bằng việc đạt được thỏa thuận với Josip Ilicic, Fiorentina sẽ không còn phải quá lo ngại nếu như Ljajic ra đi, vì cầu thủ tới từ Palermo có phong cách tương tự Ljajic.

b) Một cầu thủ có thể thu hồi bóng ở tuyến giữa cũng nên là mối quan tâm của Montella. Pizarro có khả năng tranh chấp, nhưng đã 33 tuổi. Ambrosini có kinh nghiệm, vững chắc ở vai trò tiền vệ phòng ngự, nhưng cũng đã 36 tuổi. Như vậy, Fio có lẽ cần thêm một tiền vệ trẻ hơn, năng động hơn (Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này không quá thiết yếu – có lẽ một cầu thủ mượn sẽ giải quyết được vấn đề).

 Như vậy, Fio có thể triển khai nhiều phương án chiến thuật khác nhau:

+) Sơ đồ 3-5-2 quen thuộc, nhưng với Gomez – Rossi song công hoặc Ljajic/Ilicic hỗ trợ một trung phong.

+) 4-3-3: Cuadrado/Joaquin chơi bám biên phải, Ljajic/Ilicic di chuyển vào trong từ cánh trái, Rossi/Gomez làm trung phong.

+) 4-3-2-1 hoặc 4-3-1-2: Bộ ba Pizarro – Aquilani – Valero được giữ nguyên, Pasqual và Cuadrado/Cassani từ hai vị trí hậu vệ biên sẽ băng lên hỗ trợ tấn công; trong khi Ljajic (và cả Ilicic) sẽ hỗ trợ tiền đạo phía trên.

3) Kết luận

 Fio đã trở lại.  Một vé tới trời Âu,  một lối chơi đầy hấp dẫn…và một bản hợp đồng cỡ “bự” như một lời tuyên bố đanh thép cho tham vọng của mình, La Viola như là một cơn lốc tím hứa hẹn sẽ gây mưa gió trong mùa giải tới.

Dự đoán thành tích:  Xếp thứ 3 tại Serie A, lọt vào vòng 16 đội Europa League

Fiorentina 1-1 Napoli: Sự thiếu sáng tạo kìm chân hai bên

Trận cầu trên sân Artemio Franchi – trận đấu mà cả hai đội đều khao khát chiến thắng – đã kết thúc với tỉ số hoà mà không để lại thực sự nhiều ấn tượng.

Bên phía đội khách, bộ ba trung vệ là Britos – Campagnaro – Gamberini còn bộ ba tấn công vẫn là những cái tên Cavani – Hamsik – Pandev quen thuộc. Còn về phía Fiorentina, Jovetic ra sân từ đầu bên cạnh Toni. Continue reading

AS Roma 4-2 Fiorentina: Nguồn cảm hứng từ Totti

Một màn trình diễn tốt của Roma trên sân nhà với nguồn cảm hứng Francesco Totti – il Capitano đã đóng góp 2 bàn thắng và chỉ còn kém 5 bàn so với Nordahl – người ghi bàn nhiều thứ hai trong lịch sử Serie A.

Zeman cất De Rossi và Osvaldo trên băng ghế dự bị để nhường chỗ cho hai cầu thủ trẻ Tachtsidis và Pjanic. Trong khi đó, Montella không có sự phục vụ của Pizarro, vì vậy đưa Oliveira vào đội hình xuất phát, đồng thời thêm vào Cassani. Continue reading