Chelsea 3-1 Manchester United: Sai lầm của Man Utd giúp cho Eto’o tỏa sáng

 United đã thi đấu không tốt trong trận thư hùng có ý nghĩa quyết định này, và hình phạt họ phải gánh chịu là ba bàn thắng của Samuel Eto’o khi “Báo đen” đã lợi dụng rất tốt những sai lầm từ phía đối phương.

Mourinho tiếp tục sử dụng David Luiz ở vị trí tiền vệ trụ bên cạnh Ramires, đồng thời chọn Samuel Eto’o là tiền đạo cắm thay vì Fernando Torres. Bên dưới Eto’o là bộ ba quen thuộc trong mùa giải năm nay Oscar – Hazard – Willian. Bên phía Man Utd, Phil Jones trở lại để đá cặp cùng Michael Carrick tại tuyến giữa; Ashley Young xuất phát từ đầu bên cánh trái, trong khi Adnan Januzaj sẽ phối hợp cùng Danny Welbeck ở tuyến trên.

Đội hình xuất phát của hai đội

1) Man United khai thác hành lang hai cánh

Đội bóng áo đỏ khởi đầu trận đấu đầy hứng khởi. Họ là đội được giao bóng trước, nhanh chóng áp đặt thế trận lên đối phương với những bài đánh cánh, đặc biệt là ở cánh trái – một đặc trưng của “Moyes United” cho tới thời điểm này. Người đáng kể nhất bên phía MU là Januzaj. Khi được bố trí song hành cùng Welbeck, Januzaj là người chơi cao hơn (để Welbeck lùi xuống lấy bóng, đồng thời kèm cặp David Luiz), liên tục di chuyển sang trái, cụ thể là vào khoảng trống giữa trung vệ phải và hậu vệ phải của Chelsea, nhằm tạo lợi thế quân số. Ví dụ như tình huống Januzaj chuyền cho Welbeck nhưng Welbeck lại mất trụ, sau đó là tình huống anh nhả bóng lại nhưng không có đồng đội nào có mặt để nhận được.

utdcross

Man Utd tạt tổng cộng 26 đường, trong đó chỉ thành công có 4

Những đường chuyền của Adnan Januzaj

Những đường chuyền của Adnan Januzaj

Ngoài ra, United không có thêm phương án nào khác. Ashley Young, sau những phút đầu hứng khởi (đặc biệt là tình huống 1-2 với Welbeck) chìm dần xuống và không làm được gì nổi bật, trong khi Valencia, với lối chơi quen thuộc, có cố gắng nhưng những đường tạt của anh chẳng đi đến đâu (4 đường tạt, không thành công đường nào). Patrice Evra, như thường lệ, là mũi nhọn bên cánh trái và thường xuyên tham gia tấn công, hỗ trợ các đồng đội; Rafael cũng vậy, tuy vậy hiệu quả cũng không cao. Chỉ có Januzaj là thực sự “làm một cái gì đó”.

Hướng tấn công của Man Utd

Hướng tấn công của Man Utd

Còn Chelsea, sau những phút đầu bị ngợp và cuốn theo nhịp độ cao, lùi sâu hơn, phòng ngự vững vàng hơn trước những đường tạt của Quỷ Đỏ thành Manchester, ngoại trừ tình huống nhả bóng lại từ đường biên ngang của Januzaj.

2) United bị khai thác

Man United chơi khá chủ động trong trận đấu này – họ khởi đầu với cách pressing khá cao và giữ cự li đội hình khá đều. Cho dù tỏ ra bị động hơn ở giữa sân khi phải đối đầu với sự cơ động của David Luiz cũng như Ramires, tuy nhiên United vẫn trụ vững. Vấn đề của họ bắt đầu lộ ra ở nửa cuối hiệp 1, khi họ không còn giữ được cự li giữa tuyến hậu vệ và tiền vệ: trong khi những Carrick và Jones dâng cao lên để áp sát các tiền vệ của Chelsea, hàng hậu vệ đã lùi xuống, để lộ khoảng trống lớn, thừa cho các tiền vệ của Chelsea (và cả Eto’o) hoạt động, hay ít nhất là quay lại đối mặt với khung thành của De Gea. Bằng những đường chuyền trực diện, Chelsea giữ nhịp độ cao trong tấn công, nhanh chóng khai thác điểm yếu của United.

Đây là điều kiện lí tưởng để bộ ba tiền vệ tấn công của Chelsea lợi dụng. Willian có mặt ở khu vực trung tâm và tấn công thẳng vào bộ tứ vệ của United, trong khi Hazard bám biên trái nhiều hơn và gây khó khăn cho đối thủ bằng những tình huống đi bóng. Còn Oscar? Anh là chất xúc tác cho Chelsea: di chuyển rộng, thường là dạt ra phải, cho Willian di chuyển vào giữa cũng như bảo vệ cánh này; khi Chelsea có bóng thì di chuyển vào trung tâm để giúp Chelsea có lợi thế quân số nhằm giữ bóng và triển khai bóng lên.

Chelsea không xâm nhập được hàng phòng ngự của United – bằng chứng là trong ba bàn thắng, chỉ có đúng bàn đầu tiên – một bàn thắng “siêu phẩm” có phần may mắn – là tới từ tình huống bóng sống, còn hai bàn còn lại đều là hệ quả của phạt góc.

3) Bàn thắng thứ hai và thứ ba – hay là sự thiếu tổ chức của United

Khi đối đầu với các đội bóng lớn trong những năm gần đây, United luôn dựa vào sự chắc chắn của đội hình để chiến thắng, cho dù là lùi rất sâu hay là đẩy cao đội hình nhằm chiếm thế chủ động. Không duy trì khoảng cách giữa các tuyến là một lẽ, nhưng trong trận đấu này, từ hai tình huống phạt góc, United đã phải nhận trái đắng từ những sai lầm rất không đáng có.

Trong bàn thua thứ hai, nguyên nhân để lọt lưới là do cả đội đã không di chuyển hợp lí: đầu tiên, Vidic đứng quá thấp, để cho Eto’o ở tư thế không việt vị, và sau đó các cầu thủ áo đỏ đã không kịp thời lùi về để cho Eto’o thoải mái dứt điểm, trong khi 7 cầu thủ MU đứng nhìn. Còn ở bàn thua thứ ba, lỗi chính thuộc về Valencia với nỗ lực kèm người…ngớ ngẩn đối với Eto’o, tuy nhiên cách phòng ngự phạt góc của United không tốt, điển hình như việc Evans để Cahill thoát ra và đánh đầu tự do (nếu United muốn phòng ngự khu vực, tại sao khu vực đó không có ai quản lí?).

Chính những sai lầm đó khiến United phải trả giá đắt. 3-1 là một tỉ số cách biệt, và đáng ra United đã không thua đau đến như vậy.

4) Những sự thay đổi người.

Smalling thay Evra là một sự thay đổi người bất đắc dĩ khi lão tướng người Pháp chấn thương – Rafael chuyển sang chơi hậu vệ trái. Sau đó, Moyes rút một Young không hiệu quả ra để thay bằng Chicharito nhằm tìm kiếm bàn thắng. Januzaj chuyển sang cánh trái, Welbeck chơi hộ công cho Chicharito. Cầu thủ người Anh liên tiếp băng lên phía trước, còn Chicharito thì hơi lùi xuống và có một số đường phất bóng tốt ra hai cánh. Trong một khoảng thời gian ngắn, United chơi tốt hơn khi tận dụng khoảng trống giữa hai tuyến tiền vệ – hậu vệ của Chelsea, tạo ra khi Ramires bị hút lên phía trên.

Nước cờ tiếp theo của Mourinho là bảo vệ khu vực này. Oscar được cho ra nghỉ và Mikel vào sân, đẩy Ramires sang phải – không chỉ bảo vệ khu vực giữa sân, ông còn gia cố thêm khả năng phòng ngự ở bên cánh phải của đội nhà. Torres thay Eto’o không có gì đặc biệt, chỉ là một tiền đạo vào thay một tiền đạo. Cuối cùng, tân binh Nemanja Matic được đưa vào sân thay Willian, đưa Chelsea thành một dạng 4-5-1 với 3 tiền vệ trung tâm Matic – Luiz – Mikel (Ramires bên phải, Hazard bên trái) nhằm khóa sổ trận đấu. Khi Vidic bị thẻ đỏ, trận đấu coi như là kết thúc.

Kết luận

Chelsea không hẳn là đánh bại đối thủ một cách giòn giã về mặt chiến thuật – nhưng chất lượng của các cá nhân cùng với sự thực hiện kế hoạch một cách chính xác đã đem lại cho họ một thắng lợi thuyết phục. Còn United, cách tiếp cận của họ không sai, và đáng ra họ có thể làm tốt hơn, nhưng những sai lầm của hệ thống trong khoảnh khắc đã gây ra thảm họa. Đây là vấn đề đặt ra cho Moyes: Liệu ông có thể sửa lại những lỗ hổng này không? Hay là ông có thể sửa được khi còn thời gian không?

Atletico Madrid 0-0 Barcelona: Kết quả hòa cho một trận đấu hay

Hãy theo dõi chúng tôi tại địa chỉ facebook http://www.facebook.com/MyFootballRamble và tại twitter https://twitter.com/Myfootballrambl

Cuộc đối đầu giữa hai đội bóng dẫn đầu La Liga đã kết thúc với tỉ số hòa và để lại một số dấu ấn về chiến thuật – chỉ tiếc rằng trận cầu này thiếu đi thứ gia vị mang tên bàn thắng.

Diego Simeone đưa ra đội hình xuất phát như dự kiến – Villa và Costa tiếp tục song hành trên hàng công. Bên phía Barcelona, Messi và Neymar đều ngồi trên ghế dự bị, để chỗ cho Fabregas và Sanchez xuất phát.

Đội hình xuất phát của hai đội

1) Đội hình của Atletico Madrid và cách hóa giải của Barcelona

Sức mạnh giúp Atletico Madrid thi đấu thăng hoa nằm ở đội hình được tổ chức cực tốt của họ – và trong trận đấu này, sức mạnh đó được dịp thể hiện một cách rõ ràng nhất. Atletico chơi với sơ đồ 4-4-2 hẹp – có thể coi họ có…4 tiền vệ trung tâm, vì cự li giữa các tiền vệ (cũng như hậu vệ) trong tuyến được thu gọn lại, khiến khối phòng ngự trở nên hẹp lại và choán hết khu vực trung tâm. Phía trên, hai tiền đạo Villa và Costa rất tích cực phòng ngự, di chuyển, áp sát, chắn trước các tiền vệ Barca…thậm chí có thể coi họ là tiền vệ thứ 5 và thứ 6 cũng được.

Đội hình của Atletico ở tầm trung-thấp, cho phép Barca có thời gian với bóng ở tuyến dưới trong khi mình thì tập trung vào việc kiểm soát không gian, buộc đối thủ phải tìm cách mở khóa. Nhưng mở khóa đội bóng thành Madrid rất khó. Nếu Barca muốn đánh trung lộ, họ coi như là đâm đầu vào bức tường đá, khi khoảng trống giữa các tuyến được hạn chế tối đa và các cầu thủ áo đỏ-trắng làm việc vô cùng chăm chỉ để giữ cự li cũng như chặn lại các hướng chuyền của Barca (cũng đừng quên số lượng áp đảo của Atletico!). Khi Barca đưa bóng ra cánh, khối đội hình của Atletico di chuyển nhanh chóng ra cánh để dồn ép đối phương. Khả năng bao sân cũng như cường độ làm việc của Atletico cũng hết sức ấn tượng – khi Barcelona phát bóng lên (bằng cách chuyền ngắn) hoặc ném biên, họ tổ chức pressing, vây bọc một cách hiệu quả, khiến những cầu thủ từ xứ Catalan lâm vào thế khó và buộc phải phá lên; nếu như Barca thoát khỏi lưới pressing này, Atletico cực kì nhanh chóng lui về phần sân nhà lập thành đội ngũ, không để đối phương có cơ hội tung đòn hồi mã thương.

Vậy thì Barca làm thế nào? Họ hướng tới half-space (không gian giữa “trung lộ” và “cánh”).  Cụ thể: hậu vệ biên của họ dâng lên (nhưng không cao, và di chuyển lệch vào trong – đối mặt với hai tiền vệ “cánh” Koke và Turan), hai cầu thủ chạy cánh Sanchez và Pedro chơi khá bám biên, Iniesta dâng cao lên để xâm nhập half-space, còn Fabregas chơi vai trò “số 9 ảo”. Cách tiếp cận này là hợp lí, và thực tế thì Barca đã mở ra được khoảng trống này (điển hình như pha đột phá của Iniesta vào phút 17), nhưng với khả năng bao sân, sức mạnh thể lực và ý thức chiến thuật tốt đã giúp Atletico nhanh chóng lấp lại những lỗ hổng, khiến cho đường vào khung thành Courtois trở nên gian nan hơn bao giờ hết. Mất đi Iniesta – một cầu thủ có khả năng đột phá đẳng cấp – khiến cho Barca mất đi một lưỡi kiếm sắc bén có thể quyết định trận đấu.

Trong hoàn cảnh đó, việc Messi và Neymar được đưa vào sân giúp đoàn quân của Tata Martino tấn công hiệu quả hơn hẳn. Messi đảm nhận vai trò số 9 ảo, lùi xuống như một tiền vệ tấn công, lợi dụng kĩ thuật siêu đẳng của mình để cầm bóng, đi bóng vượt qua đối thủ, mở ra không gian và tạo cơ hội. Neymar thì đi bóng lắt léo, kéo đối phương khỏi vị trí, qua người, tạo khoảng trống, đồng thời cầu thủ trẻ người Brazil cũng là một vũ khí phản công lợi hại. Phần còn lại của mũi đinh ba là Pedro ở cánh phải có vẻ nhạt nhòa hơn hai người kia, nhưng anh đóng vai trò “chiến thuật”: bám biên, thu hút sự chú ý của Luis Felipe, tạo lỗ hổng giữa anh này và Diego Godin. Kết quả là Barca, tuy không hoàn toàn thống trị trận đấu, nhưng thi đấu có nét hơn và tạo nhiều cơ hội hơn hiệp 1 – chỉ tiếc là cuối cùng, họ vẫn không thể ghi bàn.

2) Atletico phản công

Khi giành được bóng, Atletico đưa bóng dài lên tuyến trên tới chỗ Diego Costa và David Villa để phản công nhanh. Hai người phối hợp với nhau, di chuyển sang hai bên sườn của Pique và Mascherano, buộc hai người này phải tranh chấp quyết liệt (và cả phạm lỗi). Nổi bật nhất là Diego Costa, một cơn đau đầu thực sự với hàng phòng ngự Barcelona: anh tham gia không chiến, anh rê bóng, anh băng xuống… Bên cạnh đó, khi phản công nhanh, Arda Turan từ cánh phải còn là một mối đe dọa bất ngờ với đội bóng của Tata Martino. Nhưng nhìn chung, Barcelona nhanh chóng lui về, sẵn sàng lao vào tắc bóng quyết liệt, trong khi Atletico đưa ít người lên phản công, khiến cho họ cũng không thể ghi được bàn.

Kể cả khi Atletico chủ động tấn công, Barcelona lập tức lùi về, lập đội hình tầm trung – thấp, giữ cự li và có thể áp sát tốt (một phương pháp cho thấy sự thực dụng và tinh thần sẵn sàng thay đổi của Martino). Đội bóng từ Madrid không có phương án rõ rệt nào, và gặp phải bế tắc. Trong khi đó, Simeone không thực hiện sự thay đổi nào đáng chú ý nhằm cải thiện khả năng xuyên phá của đội mình – Rodriguez thay Tiago là tương đương, trong khi Raul Garcia thay Villa để tiếp tục chơi vai trò của cựu cầu thủ Barca ở trên sân, cho dù Garcia là tiền vệ.

Kết luận

Xét về mặt chiến thuật thì đây là một trận đấu thủ vị: một đội bóng có khả năng xuyên phá các hàng phòng ngự vô cùng giỏi giỏi gặp phải một đội bóng được tổ chức một cách bài bản nhất thế giới – hay nói cách khác, cái mâu và cái thuẫn. Chỉ tiếc là lại không có bàn thắng, khi hai bên đều không thể tìm ra cách hóa giải lẫn nhau. Kết quả hòa là chấp nhận được, và cuộc đua tới La Liga hứa hẹn sẽ còn nhiều hấp dẫn.